Có truyền thống chăn nuôi giống lợn đen bản địa từ lâu, nhưng chỉ đến khi tham gia HTX chăn nuôi lợn bản địa Mường Pa, các hộ thành viên mới tiếp cận với kinh tế hàng hóa, thực sự yên tâm với sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn và hạn chế dịch bệnh nhờ chú trọng những yếu tố về vệ sinh môi trường.
Không nuôi lợn thả rông
Ông Hà Thế Nhiên, Giám đốc HTX chăn nuôi lợn bản địa Mường Pa, cho biết đối với người dân một xã xa trung tâm như Xăm Khòe, việc nuôi lợn thả rông đã trở thành tập tục lâu đời. Quá trình chăn nuôi hầu hết dựa nhiều vào điều kiện tự nhiên, thả lợn tự do đi kiếm thức ăn và hầu như không quan tâm đến việc chăm sóc nên lợn sinh trưởng, phát triển chậm.
Bên cạnh đó, công tác phòng bệnh không đảm bảo, lợn thải phân bừa bãi dễ gây nên các mầm bệnh cho người, gia súc khác. Nuôi lợn thả rông vì thế không mang lại hiệu quả kinh tế, mặt khác còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Với sự hỗ trợ từ các cấp ngành, người dân trong xã đã thành lập HTX Mường Pa tập trung nuôi lợn đen theo hình thức bán chăn thả. Theo phương thức này, lợn được nuôi thả trong khu vực thiết kế có hàng rào lưới thép B40 vây quanh với diện tích vừa đủ để lợn có thể tự do đi lại, chạy nhảy. Lợn có chuồng để trú ngụ lúc nắng gắt mưa dầm và được nuôi bằng những thức ăn có nguồn gốc tự nhiên, không sử dụng cám tăng trọng.
“Nguồn thức ăn chính vẫn là các loại rau dướng, khoai lang, khoai môn, dọc mùng, thân, lá chuối được các thành viên trồng với quy mô hàng nghìn m2 tại khu vực vườn đồi quanh nhà. Còn cám và một số vật tư khác được HTX đứng ra cung cấp cho các hộ thành viên”, Giám đốc Hà Thế Nhiên cho biết.
Các thành viên được tập huấn về chăm sóc kỹ càng, vệ sinh sạch sẽ tạo điều kiện cho lợn phát triển tốt. HTX cùng cán bộ thú y địa phương thường xuyên hỗ trợ thành viên về kỹ thuật, kịp thời giúp mọi người tháo gỡ khó khăn trong chăn nuôi.
Nguồn phân chủ yếu được thu gom hàng ngày theo hệ thống và xử lý bằng hầm biogas nên quá trình chăn nuôi hầu như không có chất thải, từ đó giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Nâng cao giá trị từ chuỗi
Hiện, HTX có 10 thành viên, mỗi thành viên nuôi 12 - 20 con lợn thịt kết hợp 2 - 3 con lợn nái để chủ động gối đàn trong quá trình sản xuất. Bình quân thu nhập mỗi năm của một hộ thành viên đạt trên dưới 50 triệu đồng.
Thịt lợn đen bản địa của HTX được thị trường tiêu thụ ưa chuộng nhờ chất lượng thơm ngon. HTX cũng bảo đảm thời gian nuôi trong 7 - 8 tháng mới xuất bán một lần để nâng chất lượng thịt và ổn định thu nhập cho thành viên.
Với nguồn vật tư chủ động, phương thức nuôi khoa học, chi phí đầu vào sản xuất khi tính cả công nuôi chỉ chiếm khoảng 30 - 35%, hộ thành viên chăn nuôi lợn thu lãi khoảng 65 - 70%. Bên cạnh việc đứng ra đặt hàng với công ty sản xuất cám, HTX còn thực hiện hỗ trợ, liên kết tiêu thụ sản phẩm, giúp hộ thành viên yên tâm về đầu ra.
Информация по комментариям в разработке