Đền thờ Thủ Khoa Huân và mộ Chí sĩ Âu Dương Lân

Описание к видео Đền thờ Thủ Khoa Huân và mộ Chí sĩ Âu Dương Lân

Nguyễn Hữu Huân (1830-1875) do đỗ Thủ Khoa kỳ thi Hương năm 1852 triều Tự Đức nên còn được gọi là Thủ Khoa Huân. Người ở Kiến Hưng, Định Tường (nay là xã Mỹ Tịnh An, Chợ Gạo, Tiền Giang).

Nguyễn Hữu Huân và Đỗ Hữu Phương có giai đoạn là bạn thân của nhau, nhưng cũng có lúc đối đầu nhau vì bất đồng chí hướng. Đỗ Hữu Phương đứng thứ 2 trong Tứ đại phú hào giàu nhất Saigon (sau Huyện Sỹ Lê Phát Đạt) từng làm Tổng đốc Saigon thời Pháp thuộc nên còn gọi là Tổng Đốc Phương.

Ngày 17/02/1859, quân Pháp đánh chiếm Gia Định, Tổng trấn Võ Duy Ninh tuẫn tiết. Thủ Khoa Huân cùng các quan quân triều đình như Nguyễn Tri Phương, Trương Định... tiếp tục đánh Pháp.

Đầu năm 1861, Đại đồn Chí Hòa ở Gia Định của Nguyễn Tri Phương sau vài tháng xây dựng bị Pháp phá tan. Quân Nguyễn thiệt hại lớn: Tham tán Phạm Thế Hiển, Lang trung Nguyễn Duy, Tán tương Tôn Thất Trĩ đều tử trận; Nguyễn Tri Phương bị thương nặng. Thủ Khoa Huân theo Trương Định về Mỹ Tho, Gò Công.

Năm 1863, Thủ Khoa Huân bị Pháp bắt tại Thất Sơn, An Giang. Rồi bị giải về Saigon. Ngày 22/08/1864, ông bị kết án 10 năm tù và bị đày đi Cayenne, là một thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ. Sau 5 năm tù, ngày 04/02/1869, Thủ Khoa Huân được ân xá và cho về lại Saigon.

Lúc này, bạn cũ Đỗ Hữu Phương đã là người giàu có và quyền thế nhất nhì Saigon. Ai ngờ, hai người đã đi theo hai con đường khác nhau. Tổng Đốc Phương bảo lãnh Thủ Khoa Huân với cam kết với Pháp sẽ "cảm hóa bạn hiền" và cho ở nhờ tại nhà. Sau đó, cử Thủ Khoa Huân làm thầy giáo dạy học ở Chợ Lớn.

Trong thời gian ở nhà Phương, Huân luôn được bạn khuyên sống trong thời loạn phải thức thời, muốn đánh đuổi Pháp thì phải chơi với Pháp và hiểu Pháp. Nhưng cuối cùng, Huân không thuận theo ý của Phương; mà Huân còn lợi dụng quyền thế của Phương mua vũ khí và âm thầm liên kết với các bạn cũ Âu Dương Lân để chuẩn bị đánh Pháp.

Sau 3 năm ở nhờ nhà bạn, Huân viết thư để lại cho Phương rồi trốn về Mỹ Tho tiếp tục con đường chống Pháp. Việc không cảm hóa được Thủ Khoa Huân đã khiến cho Tổng đốc Phương mất uy tín với chính quyền Pháp, khi họ cho rằng vị Tổng đốc đã cố tình bao che cho Nguyễn Hữu Huân.

Dưới sức ép của Pháp, cuối năm 1874 Tổng Đốc Phương tham gia cùng quân Pháp đánh căn cứ Bình Cách, Huân chạy về Chợ Gạo, đến tháng 3 năm sau thì bị bắt tại Tân An. Tuy mang tiếng tham gia đàn áp khởi nghĩa nhưng trong tài liệu của Pháp mang ký hiệu SL. 312 ở Cục Lưu trữ Nhà nước II, có đoạn khen ngợi Đỗ Hữu Phương: “Ông ta cố gắng tránh đổ máu trong lúc dập tắt nhiều cuộc nổi loạn gần đây. Ông ta đã xin chính phủ Pháp ân xá cho một số đông những đồng bào của ông đã cầm vũ khí chống lại chúng ta…”.

Ngày 15/04 năm Ất Hợi (tức 19/05/1875), người Pháp cho tàu chở Nguyễn Hữu Huân xuôi theo dòng Bảo Định về Mỹ Tịnh An và hành quyết ông lúc 12 giờ trưa. Trước khi chết, Thủ Khoa Huân vẫn thể hiện mình là người trung quân ái quốc, hết lòng vì triều đình và muôn dân bằng 2 câu Liễn tuyệt mệnh:

Hữu chí nan thân, không uổng bách niên chiêu vật nghị
Tuy công bất tựu, diệc tương nhất tử báo quân ân.
Tạm dịch:
Việc lớn không thành, báo chúa cũng đành liều một chết;
Lòng ngay khó tỏ, miệng đời luống để luận trăm năm.

Đây là bài "Tặng vợ" của Thủ Khoa Huân làm khi ông bị bắt ở An Giang, vợ ông là Lê Thị Lộc đã lặn lội đến đầu đơn xin tha cho chồng.
Xem qua thư gửi rất kinh hoàng,
Nhi nữ chà chà cũng lớn gan.
Đơn bẩm cuối lòn loài bạch quỷ,
Sân quỳ vất vả phận hồng nhan.
Bán mình đâu nệ phiền lòng sắt,
Chuộc tội thà xin trọn nghĩa vàng.
Tiết khí dưới trần coi ít mặt,
Cang thường càng chuộng gánh giang san.

Thủ Khoa Huân không có con trai, chỉ có 2 người con gái. Hiện con cháu của ông vẫn còn sống gần Đền thờ ở xã Mỹ Tịnh An.

Thư của Nguyễn Hữu Huân gửi bạn Đỗ Hữu Phương trước khi trốn về Mỹ Tho:
Khúc vạy lòng toan muốn chặt ba
Văng vỏ bao nhiêu ôm để đó
Chờ khi nấu nước sẽ đem ra
Khó gọi thâm nghiêm cửa chín trùng
Ngày nào cha mẹ cứu con cùng
Bốn mùa man mác tình nhà cửa
Trăm dặm đau buồn cảnh núi sông
Mây trắng đã giăng trời Bến Nghé
Nắng chiều dường cháy đất Gò Công
Ngọn cờ phá lỗ bao giờ thấy
Thiên hạ người đều ngóng cổ trông.

Trường Collège de Jeunes Filles Indigènes được vợ chồng Đỗ Hữu Phương bỏ tiền và vận động xây dựng năm 1915, tức Trường nữ Gia Long, mà người Saigon còn gọi là trường Áo Tím (nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai). Do vợ chồng Tổng Đốc Phương có nhiều đóng góp xây dựng khu Chợ Lớn và Saigon xưa nên trước 75, ở Chợ Lớn có đường Tổng Đốc Phương nay là Châu Văn Liêm.

Tổng Đốc Phương có 5 con trai nhưng nổi tiếng nhất là Đỗ Hữu Vị được ghi nhận là phi công đầu tiên của Đông Nam Á. Saigon xưa có thời gian đường Huỳnh Thúc Kháng mang tên Đỗ Hữu Vị.

#thukhoahuan #auduonglan #dohuuphuong #mytinhan #tiengiang #nguyenhuuhuan #tongdocphuong

Комментарии

Информация по комментариям в разработке