Từ đôi bàn tay trắng, với chí cầu tiến, lao động cần cù, người thanh niên đất Củ Chi - Lê Thanh Tùng đã vươn lên, gây dựng trang trại nuôi dế nổi tiếng khắp cả nước và trở thành tỷ phú ở độ tuổi ngoài hai mươi.
Từ nhiều năm nay, trại dế Thanh Tùng ở ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh là điểm hẹn quen thuộc của những thực khách nghiện món côn trùng. Đây cũng là đầu mối thu mua, phân phối các loại dế cho nhiều nhà hàng của thành phố.
Là người tiên phong trong nghề nuôi dế thương phẩm, Tùng "dế" thật thà kể về những ngày đầu khởi nghiệp. Cả nhà Tùng sống theo nghề nông nhưng lại chỉ có vỏn vẹn 700m2 đất.
Phải nghỉ học sớm bươn chải kiếm sống, trong một lần xem truyền hình, nhìn những du khách nước ngoài hào phóng chi tiền để thưởng thức dế, bò cạp, rết… Tùng nảy ra ý tưởng nuôi côn trùng để phục vụ thực khách Việt!
Khi Tùng bày tỏ ý định nuôi dế, cả nhà đều tưởng cậu nói đùa, nhưng rồi thấy anh chàng lôi mấy cái nồi, thau to đùng ra hì hục nuôi thật thì ai cũng choáng! Cản ngăn không được, ba mẹ anh đành thở dài chấp nhận. Vậy là, trong suốt hơn hai năm Tùng âm thầm thử nghiệm nuôi dế.
Lúc đó, khoảng năm 2000, nghề nuôi dế còn quá mới mẻ, anh dò hỏi khắp nơi tìm học kỹ thuật nhưng ai cũng tròn mắt trước cái nghề lạ hoắc, ngay cả cán bộ Trung tâm Khuyến nông cũng lắc đầu "không có tài liệu". Không mấy ai tin cậu nông dân trẻ có thể làm nên chuyện.
Ngày ngày, Tùng cần mẫn đi làm phụ hồ từ sáng đến tối mịt, làm cả những ngày nghỉ để kiếm thêm tiền. Ăn uống dè sẻn, bao nhiêu tiền tích góp được anh mua xô, thùng nhựa cho dế ở và khắp nhà rả rích tiếng dế gáy. Nhiều người trong xóm thấy sự lạ còn trêu cợt Tùng "trẻ con".
Cũng từ ngày đó, dân ấp Bến Đò gọi cậu là Tùng "dế". Hành trình lập nghiệp của Tùng tựa như cuộc phiêu lưu cùng chú dế mèn với bao vui buồn. Dần dần Tùng tự mày mò, hoàn thiện kỹ thuật nuôi dế và trở thành bậc thầy trong nghề khi mới ngoài hai mươi tuổi.
Tiếng thơm đồn xa, cái tên Tùng "dế" mọi người gọi đùa năm nào, nay đã là thương hiệu sáng giá. Nhiều nông dân các địa phương khác tìm đến trại dế Thanh Tùng mua con giống đều được chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật tận tình.
Cứ thế, nhiều trại dế lan tỏa khắp các miền đất nước: Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ... thậm chí ra tận vài tỉnh phía Bắc. Từ một ít dế giống ban đầu, nay trại dế Thanh Tùng có đến vài trăm ngàn con; mỗi ngày xuất bán hơn chục ki-lô-gam dế thương phẩm với giá 200-375.000 đồng/kg.
Thịt dế giàu đạm, can-xi, vị ngon ngọt không kém thịt cua nên ngày càng được nhiều thực khách ưa chuộng. Gần đây, nhu cầu các nhà hàng, quán đặc sản càng tăng nên Tùng đã phát triển thêm nhiều trại dế "vệ tinh", chuyển giao con giống về một số tỉnh để nuôi gia công, sau đó bao tiêu thu mua toàn bộ sản phẩm.
Trong các loại dế, dế cơm bán cao giá nhất (375.000 đồng/kg, ước lượng khoảng 250 con), những chú dế cơm vàng nâu mập tròn múp míp to cỡ ngón tay cái người lớn có thể làm hơn chục món ngon tuyệt: xào mì, gỏi, chiên giòn, chiên bơ, kho tiêu…
Dế ta (còn gọi là dế đá, gộp chung tất thảy họ dế than, dế lửa) mình đen trũi, có giá thấp nhất (200.000 đồng/kg, khoảng 750 con). Nhưng làm nên thương hiệu của Tùng chính là loại dế sữa.
Dế sữa được chọn lọc từ các loại dế thông thường, nuôi đúng bí quyết kỹ thuật, dế non vừa qua giai đoạn lột xác thân trắng nõn, mọng căng nhìn rất bắt mắt. Dế sữa ngoài vị ngọt, còn béo ngậy, nhiều dinh dưỡng nên giá bán khá cao (250.000 đồng/kg, khoảng 850 con).
Sau gần 10 năm phiêu lưu cùng con dế, nhẩm lại Tùng trở thành tỷ phú lúc nào không nhớ. Ngoài căn nhà đầy đủ tiện nghi ngay tại trung tâm thị trấn Củ Chi, Tùng mua để phụng dưỡng ba mẹ; anh còn có trại dế Thanh Tùng ở ấp Bến Đò trị giá vài trăm triệu đồng, một trại nuôi bò cạp, rết trong cùng huyện. Chưa kể, Tùng đang đầu tư tiền tỷ mua thêm vài công đất trong ấp để chuẩn bị mở rộng trại Thanh Tùng.
----------------------------------------------
👉Youtube: / @phamdungyoutuber
👉Fanpage: https://www.facebook.com/PH%E1%BA%A0M...
👉Liên hệ qua mail: [email protected]
Информация по комментариям в разработке