Thơ hay về người lính: “THƯ GỬI MẸ” - Nguyễn Quang Thiều; Diễn ngâm Thanh Vân

Описание к видео Thơ hay về người lính: “THƯ GỬI MẸ” - Nguyễn Quang Thiều; Diễn ngâm Thanh Vân

Thư gửi mẹ - Lời của một người lính đã hy sinh

Trường ca "Những người lính của làng" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được viết tại TP Hồ Chí Minh, sau khi chiến tranh vừa kết thúc (tác giả vừa tròn 24 tuổi)
Trường ca nói về những chàng trai, cô gái đi ra mặt trận từ một làng quê nhỏ bé, bình yên, và khi trở về ngôi nhà xưa yêu dấu của mình, họ đã thành những người "sống suốt đời mười tám tuổi"..
“Thư gửi mẹ” (khúc 1, chương 3 của trường ca) là lời của một người lính đã hy sinh nói với mẹ của mình. Đây là những trang thơ cảm động nói về sự hy sinh tuổi xuân của những người lính cho độc lập tổ quốc và những đau thương, mất mát, hi sinh vô bờ bến của những người mẹ Việt Nam trong chiến tranh.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tâm sự về Trường ca “Những người lính của làng” :
“Trường ca “Những người lính của làng” tôi viết năm tôi 24 tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc đó chiến tranh đã kết thúc vài ba năm… Tôi là một cậu bé lớn lên ở một làng quê và tôi là người đã chứng kiến những buổi tiễn đưa những người lính, những chàng trai của làng tôi đi vào mặt trận. Họ đã ra đi. Và khi chiến tranh kết thúc, rất nhiều người đã không thể trở về. Thế nhưng những người ở quê vẫn đợi họ. Ngay cả sau năm 1975, chiến tranh kết thúc ,có những bà mẹ vẫn đợi con mình, và họ hy vọng rằng, ngay cả những người đã có giấy báo tử rồi, một ngày nào đó như một phép tiên, trên con đường trở về làng, những đứa con của họ hiện ra. Mỗi một lần có một người lính trở về làng, thì tất cả những người đang làm trên cánh đồng làng tôi đều dừng lại và hỏi vọng lên là ai đó? Con nhà ai? Tên là gì? Đó là một niềm vui, một niềm vui bất tận… Những năm tháng đó, người lái đò ở quê tôi trở thành người truyền tin. Khi có một người lính xuống đò là ông lái đò thường bảo con mình chạy thật nhanh vào làng để báo cho gia đình đó rằng người con của họ đã trở về.
Họ đã ra đi từ một miền quê và khát vọng lớn nhất của họ là chiến tranh kết thúc để trở về lấy vợ, lấy chồng để sinh con đẻ cái, để chăm sóc cha mẹ, để cày cuốc, để gieo hạt…cuộc sống chỉ ước mong như vậy thôi, nhưng họ đã phải đi qua nước mắt và máu và đi qua những mất mát. Cho đến bây giờ mỗi lần nghĩ lại, tôi vẫn cảm giác những người lính ấy đang trên đường trở về quê mẹ.
Trong những đêm khuya khoắt ở làng, chùa quê hương tôi, tôi vẫn cảm giác, đặc biệt là khi buổi tối gió nỗi lên thì những người lính trở về, họ về thì được ngắm nhìn mẹ sau lưng, về để nói với mẹ, nói với người yêu họ, nói với những người vợ và con cái họ, nói với anh em họ tất cả những điều đẹp đẽ nhất. Và tôi có cảm giác rằng, điều họ muốn nói nhất là họ đã hạnh phúc khi hy sinh tuổi xuân của mình cho độc lập tổ quốc, họ hạnh phúc vì đất nước thống nhất. Và tôi nghĩ rằng đó là tinh thần chính trong trường ca “Những người lính của làng”.
Con đã về với mẹ chiều nay/ mà mẹ không nhìn thấy/ Con mèo thay con thức cùng với mẹ/ Lặng im theo bóng mẹ lưng còng/ Chiến tranh qua rồi và mãi mãi con tin/ Con ngủ quên dưới cánh rừng lá bạc/ …/ con đã về rón rén bước chân/ Như thủa nhỏ để oà trong nức nở/ Con đã về mẹ bớt ho mẹ nhé!/ Bông hoa đèn lại nở sáng trong đêm: Chiến tranh qua rồi và mãi mãi con tin/ Con không chết con chỉ không lớn nữa/ Và con sống suốt đời 18 tuổi/ Như buổi chiều chào mẹ con đi.
Điều quan trọng họ là những con người bình dị, rất bình dị nhưng khi một cuộc chiến tranh đến, để bảo vệ tổ quốc mình thì họ vụt trở thành những người anh hùng. Và họ đã dâng hiến cho nền độc lập tự do của mảnh đất này, và không có một điều gì làm họ tiếc nuối hay giày vò cả.”
(Nguồn: Truyền hình Quốc Hội
httpss://quochoitv.vn/cuon-sach-toi-chonnhung-nguoi-linh-cua-lang-truong-ca-cua-nhung-nguoi-binh-di-hoa-anh-hung )

Dưới đây là phần diễn ngâm “Thư gửi mẹ” của Phan Thanh Vân.
Xin mời bạn đọc yêu thơ cùng lắng nghe!

Комментарии

Информация по комментариям в разработке