ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT: BẠN BIẾT GÌ VỀ HUYỆN ĐÔ LƯƠNG ?
MỘT BÀI VIẾT HAY GIỚI THIỆU VỀ ĐÔ LƯƠNG CHÚNG TA:
Không phải ngẫu nhiên mà câu ca xưa đã đưa xứ Lường vào như một vùng đất trù phú, cảnh đẹp, người hay. Đến bây giờ, chợ Lường vẫn được coi như là biểu tượng của cảnh bán buôn sầm uất, tấp nập “trên bến, dưới thuyền” một thủa.
“Muốn ăn khoai sọ chấm đường
Xuống đây mà ngược Đò Lường cùng anh
Đò Lường bến nước trong xanh
Gạo ngon, lúa tốt bến thành ngược xuôi”.
Đất rộng, người đông, địa hình phức tạp, vừa có đồng bằng vừa có miền núi, vừa có vùng ven sông, vừa có vùng bán sơn địa, mỗi vùng có những đặc điểm sinh thái riêng tạo nên một Đô Lương có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như hang Mắt Trắng, đập Đá Bàn (Bài Sơn), đập Khe Du (Hoà Sơn), đập Khe Ngầm (Lam Sơn), suối nước khoáng nóng (Giang Sơn), Bãi Bồi (Tràng Sơn), lèn đá Thung (Trù Sơn). Những thắng cảnh thiên nhiên là những công trình kinh tế phục vụ đời sống con người, nằm cạnh các khu văn hóa như Đền Quả, Đền Đức Hoàng, nhà thờ Nguyễn Cảnh, Thái Bá Du, khu di tích Truông Bồn, và cạnh các vùng núi đá, đập Ba ra Đô Lương, Cống Mụ Bà..v.v…tạo thành khu du lịch văn hoá, sinh thái hấp dẫn.
Đô Lương từ xưa đến nay còn là vùng đất văn hoá, nổi tiếng hiếu học, chính những tên đất, tên làng Bạch Ngọc, Văn Khuê, Văn Lâm, Văn Tràng, Rú Bút, Hòn Nghiên, Hòn Mực.v.v…từ lâu đã được nhân dân hình tượng hoá thể hiện sự khát vọng vươn tới và thích học hành, đỗ đạt khoa bảng.
Hiện tại, Đô Lương có 9 di tích LS cấp QG, 6 di tích VHLS cấp tỉnh và 78 điểm nằm trong danh mục di tích. Đi theo đường QL 46, ngược lên đường 15 A, từ Vinh lên điểm dừng chân đầu tiên sẽ là khu DTLS Truông Bồn, một thời khốc liệt trong chiến tranh chống Mỹ, nơi chứng kiến biết bao hy sinh, mất mát của các đơn vị TNXP xứ Nghệ, mà cao nhất là khúc tráng ca của 12 cô gái Truông Bồn.
Đi dọc theo QL 15A về huyện, chúng ta sẽ đến cụm tượng đài binh biến Đô Lương, ghi lại sự kiện ông Đội Cung đã làm một cuộc binh biến chống lại thực dân Pháp ngày 13/1/1941, cũng là về với thị trấn Đô Lương trù phú, hiện đại và năng động của thời kinh tế thị trường.
Đi từ QL1A, ngược lên theo QL 7, chúng ta sẽ ghé thăm đình Phú Nhuận (Đặng Sơn), rồi đình Lương Sơn, là một DTLS cấp quốc gia, thời kỳ 1930-1931, thực dân Pháp đã hành quyết 7 chiến sỹ cách mạng của chúng ta tại đây. Tuyến đường này, chúng ta cũng có thể thăm vườn cò ở xã Hòa Sơn (cách thị trấn 7 km), nằm cạnh đường QL, ngược lên thăm hồ Đá Bàn, quy mô hơn 130 ha, một điểm du lịch sinh thái đang được triển khai ở xã Bài Sơn. Rồi từ đó, xuôi về Yên Sơn để đến với 2 DTLS cấp QG là nhà thờ Thái Bá Du và đền Đức Hoàng thờ vua Lê Trang Tông.
Nếu xuất phát từ thị trấn, ta sẽ lên với đền Quả Sơn (Bồi Sơn) cách chừng 7km đường nhựa. Ngôi đền này được xem là ngôi đền linh thiêng thứ nhì trong 4 đền thiêng nhất của xứ Nghệ-Tĩnh xưa “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”.
Đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, người được coi đã có công khai phá châu Nghệ An từ năm 1044, trong lễ hội đền năm 2010 này, bên cạnh hàng vạn du khách đến từ trong và ngoài nước, có cả ông Lý Xương Căn, cháu đời thứ 31 của hoàng tử Lý Long Tường, cũng về đây dự lễ hội.
Trên tuyến đường này, du khách có thể quay về thăm đập bara Đô Lương, một công trình đại thủy nông vào thời điểm đó, công trình này đã cung cấp nước tưới cho đồng ruộng nhiều huyện như: Đô Lương, Thanh Chương, Yên Thành, Nam Đàn…Điều đặc biệt là công trình này được thiết kế bởi hoàng thân Xuphanuvông (Lào) lúc đó đang là một kỹ sư Giao thông Công trình học tại Pháp, và bản thiết kế này chính là đồ án tốt nghiệp của ông.
Đến với non nước xứ Lường không chỉ một vài ngày thoáng qua, mà vùng đất này sẽ níu kéo bạn bởi nhiều tầng nấc văn hóa trầm tích, gìn giữ qua bao biến động thăng trầm của lịch sử, và cũng vì lòng hiếu khách đến nồng hậu của con người chốn này. Đó là những tiềm năng cho du lịch Đô Lương trong những bước đi dài và mới mẻ.
(Trang Đô Lương Online thành lập 2 Tháng 1 năm 2014)
Информация по комментариям в разработке