ĐÌNH CHÙA THÔN CHI ĐỐNG, TÂN CHI, TIÊN DU, BẮC NINH

Описание к видео ĐÌNH CHÙA THÔN CHI ĐỐNG, TÂN CHI, TIÊN DU, BẮC NINH

KHÔNG GIAN VĂN HÓA - DI TÍCH ĐÌNH CHÙA CHI ĐỐNG
ĐÌNH CHI ĐỐNG

Đồn rằng Hội Gióng thì đông
Không bằng hội Nía rước thông 3 làng
Voi xe ngựa kéo tàn vàng
Đòn rông choi chói nghênh ngang giữa trời
Theo lời các cụ cao niên trong làng cho biết: Đình xưa vốn được khởi dựng lâu đời với quy mô to lớn bao gồm các hạng mục công trình: Tiền tế, Đại đình, Hậu cung, bộ khung gỗ lim chắc chắn. Ít ai biết rằng, ngôi đình này đã có niên đại lịch sử hàng trăm năm và được xây dựng đồ sộ, uy nghiêm, nghệ thuật kiến trúc và trạm khắc rất điêu luyện mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc. Đình thờ Nam Hải Đại Vương – vị thành hoàng có công giúp dân giúp nước. Nam Hải Đại Vương được các triều đại Vua phong là Hoàng Hiệp Thượng Đẳng Thần ban 19 đạo sắc phong và cho thôn Chi Đống được thờ ngài. (đạo sắc phong cuối cùng năm 1924, niên hiệu Khải Định 9). Ngôi đình mới được xây dựng trên nền móng của đình cũ với tổng diện tích gần 300 m2. Đình Chi Đống tọa lạc ở vị trí giữa làng trên mảnh đất có diện tích 702,5m², quay hướng Tây, xung quanh giáp khu dân cư của làng, trước mặt đình là nhà văn hóa thôn. Kiến trúc đình kiểu theo nhà thờ cổ Bắc bộ, tiền bẩy hậu bẩy, đặt cột bài trí theo hàng tứ trụ., trên cái vì đấu kê con chồng gồm 5 gian hai chái Tiền tế, 2 gian Hậu cung. Bộ khung bằng chất liệu hiện đại, bộ vì nóc tòa Tiền tế theo kiểu “con chồng giá chiêng”, vì nách kiểu cốn mê. Trên nóc Đình có đắp nổi hình lưỡng long chầu Nguyệt, mái lợp ngói mũi hài, đao cong đắp nổi tứ linh, trên các bộ phận kiến trúc đắp vẽ cầu kỳ, nghệ thuật các đề tài trang trí cổ. Cửa khung, mái hoành dui được làm bằng gỗ, khung cột bê tông.
Trong hậu cung thờ Nam Hải Đại Vương, các hiện vật còn lưu giữ: 01 ngai thờ, 01 bài vị, 01 đỉnh hương, 01 mâm bồng, 01 hương án, 02 ngựa thờ, 01 long đình, bát bửu, 03 hoành phi, 07 đôi câu đối đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy…ngoài ra còn có các hiện vật mới bổ sung thế kỷ XXI. Bên trái Đình thờ quan quản tượng, bên phải thờ Đức thánh triều trần. Hội làng được tổ chức xuân thu nhị kỳ (tức ngày mồng 5/2 và mồng 5/8 âm lịch hàng năm). Trong lễ hội có các hình thức tế lễ đức Thánh cùng các trò chơi dân gian được tổ chức ở sân đình. Đình Chi Đống từ xưa tới nay vẫn luôn là trung tâm sinh hoạt của nhân dân, được nhân dân bảo vệ gìn giữ qua nhiều thế hệ. Các công trình của di tích gần đây đã được nhân dân quan tâm tu bổ tôn tạo. Di tích đã được xây cổng và tường bao bằng đá xanh, không chỉ tôn lên vẻ cổ kính của ngôi Đình mà còn bảo vệ tránh sự xâm lấn đất đai của di tích. Cảnh quan, quy mô kiến trúc ngày càng khang trang tố hảo. Các hoạt động tâm linh tại di tích được quan tâm tổ chức tốt, nhân dân tham gia nhiệt tình. Đình tuy mới phục dựng nhưng theo dáng vẻ truyền thống với nghệ thuật đắp vẽ, trang trí kiến trúc và đồ thờ tự tinh xảo nghệ thuật.
CHÙA CHI ĐỐNG (Hưng Phúc tự)
Chùa Chi Đống còn có tên nôm là Hưng Phúc Tự (Nghĩa là Ngôi chùa hưng thịnh). Theo các cụ cao niên trong làng cho biết: ngôi chùa vốn được khởi dựng lâu đời với quy mô lớn, bộ khung gỗ lim to chắc khỏe. Trong kháng chiến, thực hiện lệnh tiêu thổ, chùa cũng bị phá huỷ hoàn toàn. Năm 1994, xây dựng lại tòa Tam Bảo trên nền đất của đình để lấy nơi thờ Phật và tồn tại từ đó đến nay. Hiện nay, chùa mới đang được xây dựng ra vị trí sát đê với khuôn viên diện tích rất lớn (khoảng gần 7000m²). Mặt quay về phía Tây Nam, hướng ra sông Thiên Đức (Sông Đuống ngày nay), xung quanh giáp khu dân cư. Từ Cổng Chùa hay còn gọi là Cổng tam quan 5 gian, 1 cửa chính 2 cửa phụ, trên có tháp chuông, quả Chuông đồng được đúc mới nặng 532kg, tiếp đến là Toà Tam bảo, bên phải là nhà mẫu, khuôn viên Chùa được trồng nhiều cây xanh.
Công trình Tam bảo có diện tích rộng 392 m2, được xây dựng kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm Tiền đường 5 gian và Thượng điện 3 gian. Chùa là nơi thờ Phật, thờ Mẫu và thờ Tổ, Trên đỉnh mái Tam bảo có đắp hình bánh xe pháp luân (có nghĩa kính thờ Phật là tưởng nhớ những công hạnh của Ngài, biết ơn những lời dạy của Ngài đã đưa đường chỉ lối cho chúng sanh đi theo con đường chân chính dẫn đến Giác Ngộ và Giải Thoát...), mái lợp ngói mũi hài. Chính điện thờ 3 pho tượng tam thế - ban thứ 2 tượng Adi đà – ban thứ 3 Đức Thế Tôn – ban thứ 4 Tượng Chuẩn Đề - Ban 5 Toà Cửu long, 2 bên có 2 pho tượng thích ca bằng đồng. Bên trái hậu cung thờ quan địa tạng, bên phải gian hậu cung thờ quan âm thị kính. Ngoài chính điện thờ tượng Đức Ông và Đức thánh hiền, 2 hộ pháp thiện ác, bát vị kim cương (8 vị La Hán). Toàn bộ các tượng thờ đều được làm bằng gỗ Mít, sơn son thếp vàng.
Chùa Chi Đống vẫn luôn được nhân dân quan tâm, gìn giữ. Thôn Chi Đống có các dòng họ sinh sống lâu đời như: Dương Đình, Dương Danh, Nguyễn Quốc, Nguyễn Trọng, Nguyễn Văn… Trong lịch sử người dân nơi đây luôn giữ gìn tình đoàn kết cộng đồng làng xã, cùng xây dựng quê hương đất nước và chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

Комментарии

Информация по комментариям в разработке