Người dân đếm ngày chờ thông xe cầu An Phú Đông
Cầu sắt tạm An Phú Đông (thay phà An Phú Đông) nối hai quận Gò Vấp và Q.12 đang trong giai đoạn thi công nước rút. Có cầu mới sau hàng chục năm đi lại bằng đò, phà, bà con vui mừng khôn xiết.
Ký ức bến đò An Phú Đông
Chị Nguyễn 0Thùy Dương (P.5, Q.Gò Vấp), người bán nước tại bến phà An Phú Đông chia sẻ, xưa con sông Vàm Thuật nhỏ lắm, hai bên bờ cỏ mọc um tùm. Ông nội tôi là người đầu tiên chèo đò đưa khách qua lại, là công việc chính nuôi sống cả gia đình. Lúc bấy giờ chỉ có đò chèo bằng tay, mãi nhiều năm sau mới có đò máy, sau có phà nhỏ, rồi nâng cấp lên phà lớn như bây giờ.
Có cầu mới, không còn nơi mua bán nữa, chị sẽ làm gì? Tôi hỏi. Chị Dương cười nắc nẻ: “Nói thiệt là chưa biết phải làm gì nhưng trong bụng vui lắm, bởi cũng người dân mình đề nghị cần có cây cầu, Nhà nước đã làm rồi, than vãn gì nữa”.
Lật giở từng trang ký ức, dù đã ở cái tuổi nhớ nhớ quên quên nhưng bà Lê Thị Thúy (78 tuổi, ngụ P.An Phú Đông, Q.12) vẫn nhớ như in về những ngày tháng cũ. Bà Thúy cho biết, những ngày đầu sau giải phóng, từ bên này qua bên kia (Q.Gò Vấp) khó khăn lắm vì đò ngang cách trở, lại thiếu an toàn. Mỗi lần có việc về trung tâm TP hoặc đi thăm bà con phải mất cả ngày, trong đó hết nửa ngày đợi đò. Ấy là chưa kể những ngày mưa gió, đò phải tạm ngưng hoạt động phải ngủ nhờ nhà người quen bên Gò Vấp.
Cũng theo bà Thúy, bến đò An Phú Đông có tuổi đời khoảng 100 năm, phục vụ người dân địa phương cũng như lưu dân khắp nơi, sau này mới có phà thay thế. Những người chèo đò một thuở ở đây nay không còn nữa, số ít đã chuyển đi nơi khác sinh sống, không ai biết tin tức gì. Tuy nhiên, trong ký ức của thế hệ chúng tôi ngày hai lượt qua lại bến này không thể nào quên hình ảnh, tính cách của từng người chèo đò hoặc lái phà về sau. Từ ngày có phà, một bộ phận người dân có cái ăn, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhờ vào bán nước giải khát, hàng rong, bán vé số…
Mặc dù bến đò đã lùi vào dĩ vãng, thay vào đó là những chiếc phà có trọng tải lớn nhưng người dân ở đây vẫn quen gọi bến đò, thay vì bến phà. “Có phà đỡ lo hơn nhưng làm sao an toàn bằng cầu. Bao năm rồi, người dân chờ đợi cây cầu bắc qua, nhờ đó mà việc đi lại, làm ăn của người dân khá hơn”, bà Thúy chia sẻ.
Đứng đợi đò phía bên An Phú Đông, một người đàn ông trung niên nói với những người xung quanh: Ngày thông xe, xóm tui làm tiệc đó nghe, phải ăn mừng chớ. Mất chục năm rồi, cực chẳng đã phải đi phà chứ chúng tôi không yên tâm chút nào.
“Khi chúng tôi lên năm, lên bảy, khu vực này còn hoang vắng, nhà cửa lụp xụp sát mé sông. Bây giờ thay đổi nhanh quá, đến người dân ở đây cũng không nghĩ nơi đây thay da đổi thịt như vậy, trong đó có cây cầu sắt sắp thông xe. Mỗi sáng ra đây, nhìn chiếc cầu đang dần nối nhịp, trong lòng vui sướng lắm. Nghĩ lại hồi đó, không ít bạn bè ở bên An Phú Đông, vì đi lại khó khăn mà phải nghỉ học giữa chừng”, chị Dương nhớ lại.
Được biết, ông là Nguyễn Văn Tam, sinh ra và lớn lên ở đất An Phú Đông này. “Cha tôi nay đã 91 tuổi, đi lại khó khăn nhưng nghe nói cầu sắp thông xe, ông bảo ngày đó tụi bây phải chở tao ra đó xem. Bà con ở đây hồ hởi lắm, cây cầu là niềm mơ ước bao năm rồi của người dân hai bên”, ông Tam tâm sự.
Đếm từng ngày đợi cầu thông xe
Một ngày trung tuần tháng 9, chúng tôi có mặt tại bến phà An Phú Đông. Một bên, những chuyến phà liên tục nối đuôi nhau đưa khách qua lại, một bên công nhân đang gấp rút hoàn thiện một số hạng mục cuối cùng của cây cầu sắt.
Tiếng động cơ máy cẩu mỗi lúc một lớn hơn theo sức nặng cũng như độ cao mà những tấm thép được đưa lên lắp thành cầu. Dưới nắng gắt, các toán thợ vẫn miệt mài làm việc để kịp ngày thông xe.
Cầu sắt An Phú Đông là một trong những công trình giao thông trọng điểm của TP.HCM trong năm 2020 và cũng là một trong những công trình chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025.
Được biết, cầu vượt An Phú Đông được Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM khởi công xây dựng từ tháng 2-2020. Cầu có chiều dài 238m, rộng 12,5m, bao gồm hai làn cho xe ô tô và hai lề dành cho người đi bộ.
Cầu sắt An Phú Đông hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách đi lại của người dân hai quận Gò Vấp và Q.12, đảm bảo an toàn giao thông trên khu vực và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như TP.
A.Trần
( Theo: https://www.giaoduc.edu.vn/nguoi-dan-...)
Информация по комментариям в разработке