Chân Dung Nghệ Sĩ | THIÊN SỨ VŨ LINH [Tập 2] | Kênh NSND Bạch Tuyết

Описание к видео Chân Dung Nghệ Sĩ | THIÊN SỨ VŨ LINH [Tập 2] | Kênh NSND Bạch Tuyết

#nsndbachtuyet #nsutvulinh #chandung

Thiên sứ Vũ Linh


Trước khi chết, vua Phổ đã cầm tay Mozart mà nói rằng: “Ngươi tượng trưng cho cái Đẹp, ta tượng trưng cho sự sắp đặt của loài người. Vì thế, biết đâu sau khi ta chết, hậu thế sẽ quên ta đi và nhắc nhở tới ngươi”

Quả không sai. Chân lý thuộc về cái Đẹp vĩnh hằng.

Gần 300 năm sau lời tiên tri ấy, cái Đẹp, nơi nghệ thuật thuộc về vẫn là sự cứu rỗi.

Như có một sự ra đi, mà nỗi tiếc thương thôi còn chưa đủ. Nó để lại một khoảng trống quá lớn, nó đang ngày càng cho thấy một khoảng cách thế hệ rất xa; và liệu, 100 năm tới, khi cải lương đã bước qua thế kỷ thứ hai, có tái sinh một Vũ Linh - cùng với huyền thoại Thanh Nga - đã làm nên hiện tượng của sân khấu cải lương 100 năm được những người thầy, vị Tổ sống khai sinh, dẫn lối?



Có một điều tôi luôn tự hỏi, không biết ai đã đặt cho Vũ Linh cái nghệ danh này, nó như một sự linh ứng cho cuộc đời làm nghề của Linh. Rất khó để giải thích theo kiểu duy lý, nhưng ở Vũ Linh, từ làn hơi, lối ca, cách diễn đến sức hút đầy ma mị, có một độ Thiêng - theo đúng nghĩa của từ này - Sacré.

Công chúng trao tặng Vũ Linh danh xưng “ông hoàng Hồ Quảng”, không sai. Từ tài danh Bửu Truyện đến người-kế-tục-Minh Tơ, là NSND Thanh Tòng, Vũ Linh đã học hỏi và nhận được ơn truyền nghề từ những nghệ sĩ bậc thầy của Minh Tơ, rồi những năm tháng cộng tác với đoàn Huỳnh Long, tài năng thiên bẩm đã có được mảnh đất tốt để phát lộ.

Vóc dáng cao và thanh mảnh; khuôn mặt thư sinh và nhứt là phong thái ra bộ vừa dõng mãnh vừa tinh xảo, nói như ngôn ngữ thời thượng bây giờ là “thần thái trên từng milimet” nên với những bộ y trang tuồng cổ, nhất là Hồ Quảng, Vũ Linh là một chàng kép đẹp bậc nhất.

Với hơi giọng trầm ấm, pha chút… hơi mái rất quyến rũ; quãng giọng rộng và vang nên Vũ Linh ca sáng và tình từng chữ từng câu. Khi vào cải lương Hồ Quảng, ở màn ca, giữa dàn tiểu âm la, chập chỏa, não bạt thì tiếng ca, lời thoại của Vũ Linh vẫn sáng rõ và làm chủ mọi âm thanh. Những bài bản khó của Cải lương Hồ Quảng như Mành Bản, Phảnh Pháo, Dì Phảnh…, đúng chất Quảng Đông đều được Vũ Linh thể hiện xuất thần.

Khi vào màn múa, vũ đạo thì bộ điệu lại hào hoa và đĩnh ngộ, từ cú đưa tay, đá chân đến sự biểu lộ nội tâm qua cách vuốt bộ lông trĩ; hay trong các bộ múa quạt, múa thương đều mang đến cho công chúng một màn trình diễn hoàn mỹ. Đẹp và có hồn.

Cái quyến dụ của Vũ Linh nằm ở làn hơi lạ, nó không hẳn nam tính như Thành Được, Hùng Cường…; nó không giòn và chắc, có độ tinh anh như danh ca Út Trà Ôn, Hữu Phước. Nhưng nó ma mị người nghe ở cái chất lả lơi, nhất là ở những chữ nhả “à á a”, ề hê ê…” trong các bản nhạc Quảng Đông, Bắc Kinh phảng phất chất liêu trai.

Như màn ca - vũ đạo quyến rũ trong bản Hoàng Mai Long Thanh ở vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài chẳng hạn.

Cái hay và tài tình rất quái của Vũ Linh là Kép của mọi cô đào, tức với từng nữ nghệ sĩ - bạn diễn, Vũ Linh đều có một cách ứng diễn - ca phù hợp và tạo độ thăng hoa trên từng cặp liên -danh.

Đó là một Vũ Linh với Phượng Mai ca hay, diễn đẹp, chuẩn mực của cải lương Hồ Quảng.

Đó là một Vũ Linh với Tài Linh nhẹ nhàng, đằm thắm, tinh tế, tương tác bạn diễn gần như ăn ý bậc nhất.

Đó là một Vũ Linh với Thanh Thanh Tâm có một sự nể vì, tương kính lẫn… nổi loạn lẫn nhau.

Nhưng là với ai đi chăng nữa thì Vũ Linh vẫn luôn tìm cách nâng đỡ, dìu dắt bạn diễn bằng cái Tài và sự tinh tường về nghề; bằng cái Tâm - là có khi Linh lùi lại để làm cây bách cây tùng, có khi Linh đẩy đến cùng sự thăng hoa để cả hai cùng tỏa sáng. Cho nên, vị trí “ông Hoàng” không phải là cái ngai, Vũ Linh cũng chẳng phải là người thích ngôi vị mà chính là vị thế của một người đi trước, của sự bảo bọc bạn nghề, thế hệ sau một cách tận tâm của Vũ Linh.

Và, nếu chỉ nhìn thấy một tài năng Vũ Linh ở lãnh địa Hồ Quảng thôi là chưa đủ.

Hãy xem và nghe lại Vũ Linh trong Bức ngôn đồ Đại Việt, Hòn vọng phu, Giũ áo bụi đời sẽ nhìn thấy, nghe ra một khuôn mặt nghệ thuật Vũ Linh ở mảng cải lương xã hội cận đại, đương đại. Khi phá vỡ hình ảnh tuấn tú, khôi ngô ở cải lương tuồng cổ, Hồ Quảng, Vũ Linh lại khai phá và khai phóng chính mình trong hình tượng vai lão, vai xã hội, vai tính cách đa diện.

Một chi tiết đặc tả mà tôi nghĩ, Vũ Linh đã rất kỹ lưỡng, thông minh và đầy chất sáng tạo, là cách Linh diễn bàn tay cho đến từng ngón tay. Tôi cũng chú mục bộ phận này trong diễn xuất. Nó có một ngôn ngữ biểu đạt của riêng nó.

Nguyễn Địa Lô đã xuất thần trên từng ngón tay và vũ đạo.

Đến Vịnh, là ánh mắt thất thần, là dáng đi vô định, là những âm thanh nín bặt, câm lặng, khi bất thần rơi vào bi kịch, nỗi đau sẽ khiến con người hóa đá.

Chỉ có Vũ Linh mới diễn tả được và tới tận cùng những nhân vật đầy bi kịch ấy, trong bi kịch của con người vẫn cứ toát lên cái đẹp, cái đẹp của thiên lương, của khát vọng làm Người chân chính.



“Mẹ cha cho em cái tên và đời tặng em chiếu ngồi”…

Комментарии

Информация по комментариям в разработке