Kỹ thuật chụp ảnh phơi sáng lâu (dài)!

Описание к видео Kỹ thuật chụp ảnh phơi sáng lâu (dài)!

Nhiếp ảnh phơi sáng lâu còn có gọi là nhiếp ảnh phơi sáng thời gian là một kỹ thuật nhiếp ảnh có thể ghi nhận lại được các yếu tố chuyển động theo thời gian, một mặt thể hiện một cách rõ nét các chủ thể sáng của bức ảnh bị mờ, nhòe, một mặt lại che khuất các chủ thể tối. Con đường ánh sáng của các chủ thể chuyển động trở nên rõ ràng như những đám mây, ánh đèn ở đầu và đuôi xe ô-tô, xe máy trở thành các vệt sáng, những ngôi sao tạo thành những vệt sáng trên bầu trời và làm mềm mại dòng chảy của nước. Do đó, việc bao gồm các chuyển động trong ảnh sẽ là yếu tố chính để thêm họa tiết cho những bức ảnh phơi sáng lâu.

1 – PHƠI SÁNG LÂU LÀ GÌ?
Phơi sáng (Exposure) trong nhiếp ảnh là lượng ánh sáng mà cảm biến ảnh máy ảnh thu được thông qua tốc độ mở của màn trập và khẩu độ của ống kính khi bấm chụp. Còn phơi sáng lâu (long exposure) là kỹ thuật phơi sáng với tốc độ màn trập thấp khi màn trập máy ảnh được mở để thu ánh sáng trong thời gian dài.

2 – THIẾT BỊ PHỤ TRỢ
Ngoài máy ảnh và ống kính có tiêu cự phù hợp, chúng ta phải cần thêm các thiết bị phụ trợ gồm :
- Một chân máy chắc chắn để ổn định máy ngay cả trong những điều kiện như gió to hoặc sóng nước vỗ khi chân máy ngập trong nước.
- Dây bấm mềm có thể bằng dây hoặc điều khiển từ xa. Cũng có thể dùng app chụp ảnh của hãng máy ảnh để điều khiển chụp không dây thông qua sóng wifi hoặc bluetooth.
- Và quan trọng nhất là filter ND với nhiều mức giảm sáng càng tốt. Hiện tại có nhiều mức độ cản sáng của filter ND tính theo điểm dừng stop, phổ biến là 3 stop, 6 stop, 10 stop và tối đa lên tới 15 stop để có thể phơi sáng lâu ngay cả giữa trưa trong trời nắng. Filter ND cũng có một dạng ký hiệu khác cho mật độ cản sáng như ND2 cho khả năng giảm 1 stop, ND4 (tức là 2 mũ 2) cho mức độ giảm 2 stop, ND8 (tức là 2 mũ 3) giảm 3 stop… và ND1024 người ta làm tròn thành ND1000 giảm 10 stop. Filter ND cũng có dạng tròn vặn ren vào ống kính và loại vuông gài trên một gá trung gian. ND filter thường gây nên một mức độ ám màu nhất định nên chúng ta nên mua và sử dụng loại khá trở lên để giảm thiểu mức độ ám màu này. Nên có nhiều mức giảm sáng của filter ND để hạn chế việc phải sử dụng hơn 1 filter sẽ ám màu nhiều hơn và chất lượng ảnh cũng bị giảm theo.

3 – CÀI ĐẶT VÀ QUI TRÌNH CHỤP (8 BƯỚC)
- B1: Tắt chế độ chống rung của máy ảnh và ống kính nếu có vì nó có thể gây mờ nhòe khi máy ảnh đã ổn định trên chân máy.
- B2: Nên tắt chế độ giảm nhiễu khi phơi sáng lâu (Long exposure noise reduction) trong máy ảnh để không bị tốn gấp đôi thời gian chụp.
- B3: Kiểm tra chắc chắn là máy ảnh đã cài đặt chế độ chụp ảnh RAW để có khả năng hậu kỳ tốt hơn sau khi chụp.
- B4: Chỉnh ISO về mức cơ sở. Base ISO không hẳn là ISO thấp nhất nhưng về lý thuyết sẽ có chất lượng ảnh tốt nhất vì các mức ISO mở rộng khác bản chất sẽ là ISO khuyếch đại để tăng hoặc giảm độ nhạy của cảm biến.
- B5: Chỉnh khẩu độ để có trường ảnh đủ sâu với cảnh cần chụp nhưng tốt nhất nên nằm trong dải khẩu độ ngọt (sweet spot), thường sẽ nằm ở giữa dải khẩu độ khoảng từ f/5.6 – f/11 và tuyệt đối không nên dùng dải khẩu độ nhỏ hơn f/16, đặc biệt là f/22 vì sẽ gây nhiễu xạ rất lớn làm soft ảnh.
- B6: Lấy nét vào điểm phù hợp, tốt nhất là điểm tại 1/3 phía trước của trường ảnh, để xem các thông số tốc độ chụp máy trả lời là bao nhiêu. Tốt nhất là nên chụp một tấm để vừa ghi lại các thông số, vừa ghi nhận lại cân bằng trắng trước khi sử dụng ND filter.
- B7: Lắp ND filter phù hợp để có thời gian phơi sáng như mong muốn.
- B8: Chỉnh tốc độ màn chập phù hợp với mong muốn nếu thực tế trên máy ảnh không hoàn toàn chính xác như tính toán bằng cách tăng/giảm khẩu độ nếu muốn tăng/giảm thời gian phơi sáng thực tế, thậm chí có thể tăng/giảm ISO trong phạm vi 1 stop nếu thấy cần thiết.

4 - MỘT SỐ LƯU Ý
- Hầu hết những thác nước sẽ có dòng chảy mịn với tốc độ chụp từ 2”-5”, các mặt nước sông hồ thì tùy theo gió và dòng chảy nhưng thường có thể mịn được với thời gian lâu hơn nhiều từ 15” trở lên.
- Dòng thác nước thường là vùng sáng nhất trong ảnh (thậm chí có thể sáng hơn cả bầu trời nếu được chiếu sáng) nên rất nhiều người chụp thác thường bị cháy sáng dòng thác và mất hết các chi tiết. Có 2 cách để giải quyết vấn đề này là hoặc là đo sáng điểm đúng vào vị trí dòng thác nước sáng nhất, hoặc là đo sáng trung bình sau đó giảm sáng đi từ 2/3-1 stop theo tình hình khi bật chế độ cảnh báo cháy sáng (Higligh Alert).
- Đối với những con đèo dài ở những nơi vắng vẻ ít xe qua lại vào buổi chập choạng tối, chúng ta phải chụp trong nhiều phút, thậm chí phải chờ có xe xuất hiện trong khung hình rồi chụp bằng chế độ thủ công Bulb và giữ nút chụp cho tới khi chiếc xe đó đi hết khung hình rồi mới nhả ra.
- Một lưu ý cuối cùng và tôi muốn nhắc lại là đừng bao giờ chụp ở khẩu độ f/18-f/22 nhằm tăng thời gian phơi sáng lâu hơn và đừng mua filter ND giá rẻ sẽ làm giảm độ nét của ảnh và ám màu rất nhiều nên khó có thể hậu kỳ được.

#photography #technical #fujifilm #longexposure #longexposurephotography

Комментарии

Информация по комментариям в разработке