Vọng Kim lang - Vọng Cổ

Описание к видео Vọng Kim lang - Vọng Cổ

Tài tử- Cải lương là một thể loại nhạc ra đời muộn nhất trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam. So với các thể loại cổ nhạc khác, kỹ thuật đàn dây của nhạc Tài tử- Cải lương phát triển tột bậc, hấp thu toàn bộ những giá trị tinh hoa của người Việt và đẩy lên tầm cao nhất trong nền âm nhạc dân tộc. Với nguyên tắc ngẫu hứng trên mô hình lòng bản, mỗi lần thể hiện tác phẩm là một lần nghệ nhân ngẫu hứng ứng tác. Bởi vậy, hình hài tác phẩm thiên biến vạn hóa tùy vào tài năng sáng tạo tại chỗ của từng cá thể. Hơn nữa, mỗi cuộc hòa đàn thực sự là cuộc đối thoại giữa các tâm hồn. Một cuộc hòa đàn hay, mỗi thành viên phải hết sức hiểu ý nhau qua từng ngón đàn, vào ra biến hóa như thế nào cho phù hợp, như một nghệ thuật phối khí tập thể tại chỗ, cái khó là ở chỗ đó. Nên nhiều người đàn giỏi nhưng hòa tấu với nhau chưa chắc đã hay. Trước giải phóng, giới cổ nhạc miền Nam nổi danh bộ Tam hùng Năm Cơ- Văn Vĩ- Bảy Bá. Sau giải phóng, bác Văn Vĩ, bác Năm Cơ lần lượt qua đời. Mãi đến những năm 80, mới nổi lên cặp song tấu Văn Giỏi lục huyền cầm (guitare phím lõm) -Thanh Hải đàn tranh, được xem như thế hệ tài danh kế tiếp khẳng định nghệ thuật đỉnh cao hòa tấu nhạc Tài tử -Cải lương. Thầy Văn Giỏi là người khiếm thị, được xem như "thần đàn" trong 30 năm qua của giới cổ nhạc miền Nam. Anh Thanh Hải là người Hải Phòng, trước làm ở Đài PTGP, sau giải phóng vào Sài gòn lập nghiệp, cũng là một danh cầm có hạng, gắn liền với tên tuổi của thầy Văn Giỏi. Cuối năm 2003, Đài TH tpHCM đã thực hiện một chương trình kỷ niệm chương 20 năm cho cặp hòa tấu lừng danh này. Xin trân trọng giới thiệu bản hòa tấu Vọng Kim Lang Vọng Cổ của sư phụ Văn Giỏi và đại ca Thanh Hải- niềm tự hào của cổ nhạc Việt Nam.
Bản thu thanh năm 1984.
-Mở đầu là phần rao ngón tự do, đàn tranh rao trước, guitare phím lõm tiếp bước nắm bắt, đối chữ bám đuổi. Phần rao được tiếng song loan báo ngắt kết thúc.
-Sau phần rao là phần tiền tấu. Đây là một đoạn nhạc được danh cầm Văn Giỏi sáng tác tức thời trong phòng thu thanh để gài vào bài Vọng Kim Lang, không hề có trong danh mục bài bản cổ nhạc. Văn Giỏi ra đề, Thanh Hải tiếp ứng. Sự ứng tác giữa đôi bên được chuẩn bị rất nhanh, thống nhất các nét nhạc đồng âm, thời gian bám đuổi phi ngón để gài vào chữ nhạc đầu tiên của Vọng Kim Lang như thế nào.
-Bài Vọng Kim Lang vốn là một sáng tác mới trong thể loại ca kịch Bài Chòi liên khu 5. Sau được thầy Văn Giỏi cải lương hóa để đưa vào kho tàng bài bản Nam Bộ. Vở Cải lương đầu tiên dùng bài Vọng Kim Lang là vở Thúy Kiều. Ở bản hòa tấu này, Vọng Kim Lang được chơi 2 lần. Lần thứ nhất, đàn guitare phím lõm chơi trên âm khu cao, đàn tranh chơi âm khu thấp. Sang lần thứ hai, các danh cầm lại đảo vị trí, đàn tranh lại bay vút lên trên, guitare phím lõm lại luồn xuống âm khu thấp.
Tiếp đến là ba câu Vọng Cổ (1-2-3). Đây là bản nhạc mà đất ứng tác được xem như rộng lớn nhất trong nhạc Tài tử Cải lương. Cứ 4 nhịp (1 lái) là 2 tuyến giai điệu ứng tác lại quy về một điểm đồng âm theo quy định lòng bản. Trong bản hòa tấu, có phân đoạn ngắn 2 danh cầm chơi lập thành cùng một nét giai điệu. Đây là hiện tượng rất hiếm trong hòa tấu Vọng Cổ. Để làm điều đó, họ phải dượt với nhau trước đó một vài lần sau khi thống nhất nét nhạc như thế nào? Bao nhiêu nhịp? Ở vị trí nào trong bài? Sau đó, họ lại tỏa ra 2 hướng để tiếp tục quăng bắt, bám đuổi, đối đáp cho tới điểm kết.

Комментарии

Информация по комментариям в разработке