Đây là ca khúc "EMMANUELLE, MÉLODIE D'AMOUR", nhạc của Pierre Bachelet, lời của Hervé Roy, Trọng Nghĩa trình bày với lời Việt do Trọng Nghĩa phóng tác theo nội dung của bài hát nguyên thủy tiếng Pháp. Hòa âm do Bill Kilpatrick soạn, được tuyển chọn trong CD "ANGÉLIQUE", được phát hành tại Hoa Kỳ vào năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 35 năm đi hát của Trọng Nghĩa.
Trọng Nghĩa mời quý vị và các bạn tìm hiểu về ca khúc “MÉLODIE D’AMOUR” (tạm dịch “GIAI ĐIỆU TÌNH YÊU”) do ca nhạc sĩ Pháp Pierre Bachelet soạn nhạc và Hervé Roy viết lời. Trọng Nghĩa sẽ trình bày hơi dài, quý vị và các bạn ráng chịu khó đọc cho đến cuối, thì sẽ hiểu tại sao bài hát được xem là vô cùng “sexy” này nó ly kỳ và nổi tiếng thế giới nhé! “MÉLODIE D’AMOUR” là bài hát chủ đề mà Bachelet đã đặc biệt sáng tác dành cho bộ phim cấm dưới 18 tuổi của đạo diễn Just Jaeckin: “EMMANUELLE”. Bộ phim này gồm 7 tập tất cả, và nữ tài tử chánh là Sylvia Kristel của xứ Hòa Lan đã xuất hiện trong 4 tập vào khoảng giữa thập niên 1970.
Trọng Nghĩa đã sưu tầm và tìm đọc rất nhiều bài viết trên mạng về bộ phim nhiều tập này, và được biết vào năm 1957, văn đàn Pháp sôi sục với cuốn tiểu thuyết bị cho là “khiêu dâm” “Emmanuelle - The Joys of a Woman” của một tác giả khuyết danh. Nhưng sự nổi tiếng quá nhanh của cuốn tiểu thuyết, đã tạo sức ép rất lớn, khiến ban biên tập của nhà xuất bản phải tiết lộ tên tác giả là Emmanuelle Arsan. Trong thực chất, Emmanuelle Arsan chỉ là bút danh của Marayat Rollet-Andriane, một nữ văn sĩ Pháp gốc Á, sinh năm 1932 tại Bangkok, Thái Lan. Cuốn tiểu thuyết “Emmanuelle” của bà phơi bày tỉ mỉ các “kỳ tích” phòng the của Emmanuelle - “người vợ chán nản” của một nhà ngoại giao Pháp tại Thái Lan.
Cuốn sách thật sự gây ra một cơn địa chấn ở Pháp - trở thành một trong những nhân tố đầu tiên khơi mào cuộc “cách mạng tình dục”, sẽ bùng nổ khắp châu Âu sau đó vài năm.
Ngày 15 tháng 7 năm 1974 là một bước ngoặc lớn, với việc chính phủ mới của Tổng thống Pháp Pompidou đã “ân xá” cho cuốn tiểu thuyết “Emmanuelle” này. Và ASP (Alain Siritzky Productions) - một hãng phim nhỏ ở Pháp - từ lâu đã mua được quyền chuyển thể cuốn sách lên màn ảnh, nhanh chóng triển khai sản xuất bộ phim. Vai trò đạo diễn được giao cho một người có cái tên lạ hoắc, là Just Jaeckin - nhà nhiếp ảnh thời trang và thiết kế nội thất, chưa làm phim bao giờ. Việc lựa chọn diễn viên thủ vai chính “Emmanuelle” là công việc quan trọng và khó khăn nhất. Bởi hầu như bất cứ nữ diễn viên nào đọc xong kịch bản đều lẳng lặng rút lui, vì nó quá trần trụi và táo bạo chưa từng thấy. Cuối cùng, người được chọn là một cái tên cũng xa lạ đến từ Hòa Lan, và cũng chưa đóng phim bao giờ: Sylvia Kristel. Sylvia Kristel nhận lời đóng, với lý do duy nhất: “Emmanuelle” sẽ được quay gần như hoàn toàn tại Thái Lan, đó là cơ hội lý tưởng để hai vợ chồng cô được đi du lịch miễn phí.
“Emmanuelle” được trình chiếu rộng rãi trong những rạp ciné bình thường, chứ không phải rạp dành chiếu phim người lớn. Trong 14 tuần đầu tiên sau khi phát hành, hai triệu rưỡi đàn ông Pháp đã xếp hàng trước cửa rạp! Tổng cộng, 1/7 dân số Paris đã xem phim này. Rạp Le Triomphe ở Champs-Élysées, với từng đoàn người rồng rắn xếp hàng, đã liên tục chiếu phim này trong suốt 13 năm!
Về bài hát chủ đề trong bộ phim nhiều tập “Emmanuelle”, ca nhạc sĩ Pierre Bachelet đã thu âm ca khúc do mình soạn nhạc này, với lời của Hervé Roy, bằng hai ngôn ngữ Pháp và Anh, bán được hơn bốn triệu đĩa đơn và một triệu rưỡi album nhạc phim, vốn là một kỷ lục vào thời bấy giờ.
Riêng tại Hoa Kỳ, vào khoảng giữa thập niên 1980, nhạc sĩ Phạm Duy đã chọn hàng loạt bài nhạc ngoại quốc mang nội dung nhạy cảm, chuyển dịch sang tiếng Việt trong một bộ sưu tập, mà ông gọi là dòng nhạc “Nhục Tình Ca”. Ông viết trong quyển Hồi Ký của ông như sau: “Vào năm 1985-1986 tại Hoa Kỳ, một nữ ca sĩ rất chịu chơi tên là Kim Ngân, nhờ tôi soạn bài ca tiếng Việt cho một chương trình âm nhạc về tình dục, với đa số bài hát Pháp nổi tiếng về loại này như “Emmanuelle”, “Scènes D'amour”, “Bilitis”. Tôi lợi dụng một bút pháp mới, để viết những bài hát ca tụng nhục tình, ca tụng thân xác, khác với những bài tình ca lãng mạn, mơ mộng trước đây của tôi. Bài đầu tiên trong chương trình này là “Emmanuelle” của Pierre Bachelet, do tôi soạn lời Việt và do Jo Marcel hát. Tuy nhiên, nếu trong bài ca có những câu như: "Đắm say nào bốc lên TỪ VÚ CĂNG TRÒN Emmanuelle", thì ca sĩ vốn sợ người nghe chê bai, nên tự ý đổi lời thành “Đắm say nào bốc lên ĐẦM ẤM THÂN HÌNH Emmanuelle”. Trong bài “Emmanuelle” lời tiếng Việt này, sau khi đã nói lên đầy đủ cử động và cảm động của tình hữu nhục tính, tôi cũng không quên đưa ra cảnh người tình châm điếu thuốc lá xả hơi sau cuộc hành lạc…”
Còn gì đọng lại sau khi xem phim “EMMANUELLE”? Đó chính là ca khúc chủ đề bất hủ “EMMANUELLE”, và tình khúc bất hủ “EMMANUELLE” này, từ giữa thập niên 1970, đã trở thành một trong những bài hát nhạc phim nổi tiếng nhất trên thế giới.
#nhacphap #nhacphaploiviet #emmanuelle #chansons_d_amour
Информация по комментариям в разработке