Chương trình Tơ lòng trên phím nhạc đã thực hiện rất nhiều chương trình trong suốt thời gian qua. Xin vào link bên dưới để theo dõi toàn bộ những chương trình đã đăng:
• TƠ LÒNG TRÊN PHÍM NHẠC
Mong bạn sẽ thưởng thức và tiếp tục theo dõi, ủng hộ cho nhóm thực hiện chương trình.
Trân trọng.
Chương Trình Tơ Lòng Trên Phím Nhạc # 157 – Tình ca Tuấn Khanh phần 1
1- Chiếc lá cuối cùng – Tuấn Ngọc
2- Buồn đêm vắng – Thái Châu
3- Giọt lệ vu quy – Hoàng Oanh
4- Đêm lạnh ga buồn – Phương Hoài Tâm
5- Gọi buồn – Sĩ Phú
6- Kiếp sau – Ngọc Minh
7- Kiếp sầu đau (Nhớ nhau) – Ngọc Hạ
8- Lời tạ tình – Nhật Trường & Thanh Tuyền
9- Nhạt nhòa – Trần Thái Hòa
10- Ngày ấy xa nhau – Ái Vân
11- Một chiều đông – Duy Quang
12- Đồi sim – Xuân Sơn
***
Nhạc sĩ Tuấn Khanh sinh năm 1933 tại Nam Định. Tên thật của ông là Trần Ngọc Trọng. Một số tài liệu khác ghi là Trần Trọng Ngọc. Nhạc sĩ Tuấn Khanh bước vào con đường âm nhạc rất sớm. Năm 1950, khi được 17 tuổi, ông lên sinh sống tại Hà Nội.
Năm 1954, Tuấn Khanh di cư vào miền Nam. Tại Sài Gòn, giọng hát của Tuấn Khanh được rất nhiều người mến mộ. Ngoài lãnh vực ca hát, ông còn trình diễn với các ban nhạc thời đó qua tài sử dụng Vĩ Cầm thành thạo. Tuy có một giọng ca vàng và là một ca sĩ được ái mộ, nhưng Tuấn Khanh lại có nhược điểm là ngại trình diễn trên sân khấu. Có lẽ do nguyên nhân này, Tuấn Khanh bắt đầu chuyển hướng, thiên về con đường sáng tác nhiều hơn trình diễn. Trong những năm đầu của thập niên 1970, sự nghiệp ca hát của Tuấn Khanh thực sự chấm dứt. Từ đó, chúng ta bắt đầu có được những nhạc phẩm tuyệt vời, và cho đến hiện tại, giòng nhạc Tuấn Khanh vẫn còn được yêu mến, trân quý từ giới thưởng ngoạn.
Năm 1955, Tuấn Khanh cùng Y Vân sáng tác "Đò Ngang". Ca khúc này có thể được xem là nhạc phẩm đầu tay của ông. Sau đó, ông còn sáng tác thêm "Ngày vui" và vài ca khúc khác. Tuy nhiên, Tuấn Khanh chưa thực sự được biết đến cho đến năm 1956, khi ông sáng tác "Hoa soan bên thềm cũ" . Sau nhạc phẩm này, Tuấn Khanh bắt đầu có một vị trí vững chắc trong giới yêu nhạc, và tên của ông bắt đầu được mọi người biết đến. "Hoa Soan bên thềm cũ" được Tuấn Khanh viết tặng một nữ sinh Trưng Vương ngày đó, và sau này trở thành người bạn đời của ông. Trước năm 1975, Tuấn Khanh đã viết khoảng trên dưới 100 ca khúc tại Sài Gòn. Hầu hết sáng tác của Tuấn Khanh là tình ca. Hợp tác với Hoài Linh, Tuấn Khanh viết một số nhạc phẩm rất phổ biến thời đó như “Quán nửa khuya”, “Hai kỷ niệm một chuyến đi”… Người ta có thể thấy được nhạc Tuấn Khanh trong sáng, mượt mà… một cách đặc biệt cho dù do hoàn cảnh đất nước chiến tranh lâu dài, đẩy đưa đến những khuynh hướng sáng tác khác hẳn nhau trong giới nhạc sĩ. Có người mang nặng tính phản chiến, người khác lại sầu não vì đau thương, tang tóc… Riêng với Tuấn Khanh, cõi nhạc của ông chất ngất tình cảm, chan chứa bao hoài niệm về một miền quê hương tươi đẹp với những giai điệu tha thiết, êm đềm. Nói về khuynh hướng sáng tác của mình, Tuấn Khanh tâm sự: “Bản nhạc nào tôi viết đúng với tâm sự của mình, thường dễ đi vào lòng người hơn những bài thương vay khóc mướn. Tuy nhiên, cũng có những bài tôi viết từ xúc cảm một câu chuyện, một tâm sự của người khác, những bài này, cũng được thính giả đón nhận”.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã nói về Tuấn Khanh như sau: "Tuấn Khanh là người đã thành công trong việc nối liền nhạc miền Nam với cái không khí nhạc tiền chiến. Mà điển hình rõ nét nhất chính là nhạc phẩm ‘Dưới giàn hoa cũ’. Những người yêu nhạc nhưng không thường xuyên theo dõi xuất xứ, khi nghe nhạc phẩm này thì hầu hết đều lầm tưởng nó được sáng tác trước năm 1954, thời kỳ đất nước còn thanh bình”. Tuấn Khanh là một trong số những nhạc sĩ thành công trên cả hai phương diện tài chính và nghệ thuật. Có những nhạc phẩm ông viết theo thị hiếu của quần chúng, cũng có những sáng tác ông viết thuần túy cho nghệ thuật. Và lãnh vực nào ông cũng thành công, các sáng tác của ông được rất nhiều thính giả yêu mến, trân quý. Kể từ năm 1983, Tuấn Khanh sang định cư tại Hoa Kỳ. Ông mở một quán phở có cái tên rất đặc biệt là “Hoa Soan bên thềm cũ”. Tuy bận rộn với quán ăn, Tuấn Khanh vẫn để thời giờ cho việc sáng tác. Ông đã viết khoảng 70 nhạc phẩm từ khi bắt đầu sống tại Hoa Kỳ. Ông cũng phổ nhạc khoảng 50 bài thiền ca từ một số thi phẩm. Giòng nhạc Tuấn Khanh là giòng suối ngọt ngào trong tâm hồn người viễn xứ. Phải chăng Tuấn Khanh cũng là một thi sĩ, vì trong bất kỳ ca khúc nào của ông, người ta cũng thấy được chất thơ trong đó, bàng bạc, trữ tình... Và cho dù con người có phải đổi thay với thời đại, giòng nhạc Tuấn Khanh vẫn cống hiến cho đời những giai điệu, cung bậc êm ả, mượt mà, sâu lắng… Và những giòng nhạc này, sẽ còn mãi tồn tại trong tâm tưởng những người yêu nhạc, mỗi khi chúng ta còn có dịp nghe lại, và thả hồn về một nơi chốn nào để nhớ, để thương
Информация по комментариям в разработке