#xuongkhop #vaigay #thoaihoa
Thông tin được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Thanh Bình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Đau mỏi vai gáy là tình trạng rối loạn cơ xương rất phổ biến. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên đau mỏi vai gáy, trong đó do các bệnh lý tại vùng đốt sống cổ như thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống,... Nếu không được chữa kịp thời sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề.
Theo Nguyễn Thị Thanh Bình (khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng), bệnh đau mỏi vai gáy có thể gây các biến chứng như:
Rối loạn tiền đình thiếu máu nuôi dưỡng não: Thường do bệnh lý thoái hóa đốt sống cổ gây nên tình trạng rối loạn tuần hoàn máu não. Mạch máu lên não bị chèn ép, do đó không cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng tới não. Biểu hiện là bệnh nhân hay bị đau đầu, chóng mặt, xa xẩm mặt mày, kém tập trung, mệt mỏi, suy giảm trí nhớ... Đây là một trong những biến chứng rất thường gặp ở các bệnh nhân đau mỏi vai gáy đặc biệt ở người trên 50 tuổi.
Hẹp ống sống, chèn ép tủy sống vùng cổ: Các tổn thương cột sống cổ ở mức độ nặng có thể gây ra hẹp ống sống cổ hoặc chèn ép tủy sống vùng cổ. Tuy hiếm gặp nhưng nếu xảy ra có thể để lại tai biến nặng nề cho bệnh nhân ví dụ như: rối loạn cảm giác ở tay chân, rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn dáng đi, teo yếu cơ tay thậm chí là liệt nửa người hoặc tứ chi.
Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay: Các bệnh lý như thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, viêm đốt sống cổ, hay chấn thương vùng vai... có thể dẫn tới đám rối thần kinh cánh tay bị tổn thương. Xuất hiện những triệu chứng tương ứng với chi phối thần kinh của nó. Các biểu hiện hay gặp nhất là tê bì mất cảm giác từng vùng của tay, hoặc teo cơ, yếu cơ, giảm vận động, hoặc liệt vận động cánh tay, cẳng tay, bàn tay và cuối cùng là ngón tay.
Đau rễ thần kinh: Do rễ thần kinh tại các đốt sống cổ bị chèn ép. Do đó gây ra những cơn đau nhói dữ dội, hoặc bỏng rát, tê tái, nhức nhối tại các vùng cổ, vai gáy, lưng, cổ, cánh tay và đầu.
Các biến chứng khác: Đau mỏi vai gáy có thể kéo dài nhiều ngày, thậm chí là trong nhiều tháng. Đau mỏi vai gáy làm bệnh nhân cảm thấy khó chịu không ngủ được, cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi dẫn tới suy sụp. Hậu quả sau đó là phát sinh những bệnh không mong muốn kèm theo ví dụ như: tăng huyết áp, mất ngủ, suy nhược cơ thể, trầm cảm,... Ngoài ra, đau mỏi vai gáy sẽ làm giảm năng suất lao động, và giảm chất lượng cuộc sống. Dẫn tới tâm lý căng thẳng mệt mỏi, ảnh hưởng tới công việc và kinh tế gia đình.
Ở trẻ em hoặc những người trẻ tuổi, đau mỏi vai gáy có thể báo hiệu bệnh lý nguy hiểm là u hố sau.
Những người cao tuổi đau mỏi vai gáy khiến bệnh nhân không thể vận động được bình thường. Các vận động chức năng của cổ, và vai hoặc cánh tay không được linh hoạt, trở lên khó khăn hơn. Việc cầm nắm không chắc hay không có cảm giác có thể dễ làm rơi vỡ đồ vật. Gây ảnh hưởng tới những sinh hoạt bình thường của người bệnh. Thậm chí phải cần có người giúp đỡ, và trở thành gánh nặng cho gia đình. Từ đó gây ra sang chấn tâm lý cho người bệnh.
Biến chứng do quá trình điều trị đau mỏi vai gáy không đúng cách gây ra: Có rất nhiều biện pháp dân gian truyền miệng để sử dụng điều trị đau mỏi vai gáy. Tuy nhiên, những biện pháp đó không mang lại hiệu quả cho người bệnh mà còn có thể gây ra các biến chứng đi kèm ví dụ như:
Châm cứu điều trị đau mỏi vai gáy không vô khuẩn, không đúng kĩ thuật dẫn tới nhiễm trùng, chảy máu, và tổn thương các dây thần kinh...
Giác hơi điều trị hội chứng đau mỏi vai gáy gây bỏng, tổn thương phồng rộp da và các tổ chức dưới da, gây loét chảy dịch và nhiễm trùng.
Lạm dụng thuốc giảm đau chống viêm dẫn tới tăng men gan, tổn thương gan, viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày...
Dùng corticoid kéo dài gây nên loãng xương, tăng huyết áp, đái tháo đường, hội chứng Cushing do thuốc...
Dùng thuốc nam thuốc bắc không rõ nguồn gốc gây ra dị ứng thuốc, ngộ độc thuốc, thậm chí là suy gan, suy thận... nguy hiểm tới tính mạng.
Để phòng ngừa các biến chứng của đau mỏi vai gáy gây nên, bệnh nhân cần:
Tránh các tư thế sai trong lao động, làm việc, học tập và các sinh hoạt hàng ngày
Tăng cường luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày với các bài tập phù hợp.
Trong chế độ ăn cần bổ sung canxi, kali, và các vitamin như B, C, E... để giúp hệ xương khớp cũng như cơ thể trở nên khỏe mạnh hơn.
Giữ ấm cơ thể, tránh để bị nhiễm lạnh đột ngột.
Trong trường hợp cấp tính không xoa bóp, bấm huyệt hay tập vận động mạnh.
Không nên xoay cổ, hay vặn cổ hoặc xoay lưng mạnh đột ngột.
Đăng ký để theo dõi các video mới nhất về sức khỏe tại: / @vinmechospital
Liên hệ với Vinmec:
Fanpage: / vinmec
Website: https://www.vinmec.com
TikTok: / benhvienvinmec
Hệ thống Bệnh viện Vinmec trên toàn quốc:
https://vinmec.com/vi/danh-sach/ca-nu...
------------------------
Bản quyền thuộc về Vinmec
Copyright by Vinmec ☞ Do not Reup
Информация по комментариям в разработке