Bá quyết định nói lại sự thật. Anh nhìn thẳng vào đôi mắt trong cơn sốt, rực như hòn than của người chồng, nói:
Trước đây một tiếng rưỡi đồng hồ, chúng tôi đi dạo dọc bãi bể trong thành phố. Ở đoạn Rừng Dương, gặp người đàn bà dẫn mối. Chị ta bảo có một cô gái còn trinh, muốn bán thân với giá hai ngàn...
Người chồng mím môi, hai bàn tay ông bất giác cũng nắm lại và ông ta phải cố gắng lắm để tự cưỡng chế mình. Bá thấy chiếc cằm đầy râu của ông ta giật liên hồi. Lúc đó, người đàn bà cúi đầu xuống. Không thấy gương mặt bà ta, vì khuất lấp trong bóng tối. Bá vội nói:
Xin bảo đảm với ông bà là chưa có chuyện rủi ro nào xảy ra... Cô con gái ông bà vẫn còn nguyên vẹn... Ông bà hãy bình tĩnh, tôi kể trình tự câu chuyện. Hai chúng tôi không ham gái, nhưng mà tò mò nên đã gặp cô bé An, lúc đó đứng chờ sau gốc dương... Cô bé quá trẻ. Chắc chắn, trong gia đình ông bà, cô ta là một đứa con ngoan...
Người đàn bà chợt nức lên. Ông chồng ngồi im, gương mặt tê dại. Mắt ông ta vẫn nhìn chằm chặp vào mắt anh. Bá nói tiếp:
Người dẫn mối đưa chúng tôi và cô gái tới nơi nào đó gọi là nhà hàng mụ Liên. Dọc đường, tôi bảo chị ta dừng lại, đòi đưa chúng tôi tới nhà cô gái. Nhưng cô ta cương quyết chối từ, đoạn khóc òa lên... Cuộc mua bán như vậy là đổ vỡ. Nhưng chúng tôi đã theo cô gái tới đây...như ông bà đã biết...cả người chồng lẫn người vợ đều im lặng. Bá cũng ngừng lời. Xóm mạc yên ắng theo. Chỉ còn tiếng sóng làm đầy không gian bởi những cồn cào. Ngọn đèn dầu hỏa nổ lách tách trong hơi gió lùa, sợi khói đen uốn ngoằn ngoèo theo... Lát sau, Bá hạ giọng tiếp:
Vô tình, chúng tôi biết được tình cảnh ông bà. Vài hôm nữa chúng tôi xuống tàu, không bao giờ quay về thành phố này nữa. Vì thế, ông bà sẽ không bao giờ phải gặp mặt chúng tôi. Sự giúp đỡ của chúng tôi với ông bà hoàn toàn không kèm theo một điều kiện nào hết. Ông bà hãy nhận cho, trước hết để sinh sống trong vài tháng khó khăn. Và để tránh cho cô bé nỗi đau khổ.
Bá rút trong túi ra một xếp bạc, đặt trên bàn thờ, dưới chân con hạc gỗ. Hẳn anh không muốn họ nhìn rõ xấp bạc, nó quá lớn, nó là cả một gia tài đối với cảnh túng quẫn của họ. Vợ chồng chủ lều ngồi đờ ra như tượng gỗ. Ánh mắt của họ vừa như hoảng loạn, vừa như hồ nghi. Bá quay sang bảo Cường:
Ta về đi.
Đoạn, anh đứng lên:
Chúng tôi phải về cảng, xuống tàu. Xin chào ông bà. Chúc ông bà mọi sự tốt lành. Và chúc cho cô An hạnh phúc...
Cường đứng lên theo anh. Họ xoay lưng định vén tấm chiếu buồm bước ra sân. Tới lúc đó, người đàn ông mới choàng tỉnh. Ông ta hớt hải gọi:
Hai ông... Hai anh... Xin mời quay lại đã...
Các chàng trai vẫn đứng giữa khuôn cửa nham nhở của căn lều, ngoái đầu lại nhìn chủ nhân. Ông ta tung tấm chăn, run rẩy quơ chân tìm đôi guốc gỗ dưới đất:
Xin chờ cho...chờ tôi một chút... Tôi muốn gửi biếu hai anh một vật này...
Người vợ vội chạy lại, tìm đôi guốc đặt sẵn dưới chân chồng. Rồi bà ta choàng tấm chăn lên vai ông ta.
Người đàn ông lách vào sau lưng bàn thờ, cúi xuống mở chiếc hòm nào đó đặt trong bóng tối, lục lọi một cách hối hả. Chừng dăm phút sau, ông ta ngẩng lên, thở hồng hộc. Rồi ông ta đặt lên bàn thờ một cục giẻ lớn, buộc chằng chịt những sợi dây cước, thứ cước dân chài dùng dệt lưới trù. Dưới đôi tay trắng xanh, nổi chằng chịt những đường tĩnh mạch của người đàn ông, từng lớp vải rách được gỡ ra, hết lớp này tới lớp khác. Trong cùng, một mảnh lụa trắng đã hoen ố. Lớp lụa được giật lên, tức khắc hai chàng trai cùng nhào tới bàn thờ. Trước mắt họ là một pho tượng gỗ chạm tinh xảo. Một người đàn bà, thân thể mềm mại, tươi mát, những đường cong êm ái tạc nên một vẻ đẹp sung mãn đang rót bình rượu xuống hồ. Những con sóng say ngả nghiêng dưới dòng rượu tuôn chảy. Gương mặt tuyệt mỹ của người đàn bà tựa như bông lan cách diệu, tựa như niềm hạnh phúc và nỗi đau khổ cùng hiển hiện trong một thời khắc, nơi chân trời ngưỡng vọng, lừa mị thế gian...
Bá cất tiếng kêu:
Đẹp quá.
Người đàn ông nói, giọng khản đục:
Đã thất lạc hết cả. Chỉ còn được vài pho. Cái này, tôi thích hơn cả.
Bá hỏi, bỗng dưng giọng gay gắt:
Sao bác không làm?
Người đàn ông nhìn anh:
Ai cho làm?... Họ lùa tất cả chúng tôi lên vùng khai hoang, bảo cái nghề này không phục vụ gì cho sản xuất, không có lợi cho cách mạng... Trên đó chúng tôi trồng sắn, nhưng không đủ ăn. Gạo không có. Trước, còn bán cho năm cân mỗi tháng, sau rút xuống ba. Rồi chẳng còn. Vợ tôi sốt rét, mấy đứa con trai chết đuối dưới suối... Tan nát cả cơ nghiệp. Cha mẹ tôi đã trót sinh ra tôi với cái nghề này. Chúng tôi hèn lắm, không kiếm nổi miếng ăn bằng nghề nông... Ông ta đặt pho tượng vào tay anh:
Xin tặng hai anh, gọi là một chút, để đa tạ tấm lòng nhân ái...
Bá xiết chặt bàn tay ông ta, hạ giọng:
Thôi, chào ông...cảm ơn ông...
Nói rồi, anh hấp tấp bước khỏi căn lều. Cường đi theo. Họ lạc hồi lâu trong xóm chài mới tìm thấy lối ra. Hai người không ai nói với ai lời nào, men theo bờ nước mà đi. Lát sau, họ thấy ánh đèn thành phố.
Информация по комментариям в разработке