Trời tím dần một cách mau lẹ rồi sau đó, các lớp mây tro tan vào mặt sóng. Không còn gì ngoài một vệt đen thẫm chạy vòng quanh chân mây. Phía trên vành cung đen ấy, trời lục, nhẹ như khói với dăm bảy vì sao tan vụn ra thành bụi, sau đó chúng hợp lại và chuẩn bị cho một lần tan vỡ khác. Anh nhấm nháp từng hột lạc rang cháy. Anh nhấm nháp như thế từ chiều khi nhận chân gác tàu cho anh em lên thành phố.
Túi lạc đã vơi quá nửa, Cường rút cuốn sách trong ngăn kéo dưới giường ngủ. Cuốn sách nhàu nát, sực mùi dầu máy mùi mồ hôi và mùi tanh khó tả của tất thảy những con tàu. Cường lật trang 87 đánh dấu bằng mảnh nhựa mỏng anh vẫn dùng gảy ghi-ta. Chuyện kể về vụ án mà tội nhân là người da đỏ. Y đã từ bỏ xứ sở của mình, đã tìm đủ phương pháp để xóa đi màu da, dấu vết tổ tông, âm sắc của tiếng nói mẹ đẻ để rượt theo kẻ thù từ Châu Mỹ qua Châu Úc, từ Châu Úc qua Châu Âu và cuối cùng hạ thủ y trong một lâu đài đổ nát vùng Xcốt-len. Cường đặt cuốn truyện lên gối, đọc tiếp. Đoạn văn miêu tả cảnh tên tội đồ trở lại vùng quê, sau khi đã đạt được mục đích cuộc trả thù:
“...Trăng sáng đến nỗi y thấy lạnh. Trăng là một thứ tuyết đá tan chảy, nhuốm bụi vàng. Y lột giầy, đạp trên cỏ nháp, nghe những ngọn cỏ sắc cọ vào lớp da chân đã mỏng qua nhiều năm quen đi giày. Hồi bé, y đã lăn trong cỏ, chơi đùa như chú ngựa non. Hồi đó, Hét-tơ thường mang cho y những miếng bánh ngô tẩm mật ong ngọt sắc. Hồi đó... thôi dừng thèm nghĩ tới tuổi thơ vì những ý nghĩ ấy chỉ làm cho người đàn ông yếu lòng. Cái chính là phải sống cho tương lai... Tương lai... Y ngước nhìn những ngọn núi chọc vào bầu trời như răng cá sấu. Chưa ở nơi nào, núi có hình dáng ghê rợn như những ngọn núi quê hương. Các thớ đá bóng như sừng mà ánh trăng quét lên lượt nhũ vàng thấm trên các khe núi âm u đâm vào tim con người như lưỡi dao. Còn những con thác nhỏ óng ánh, chảy như reo. Y ngồi phệt xuống cỏ, nhìn mãi. Ngày hôm nay, ở các lữ quán dọc đường bộ hành, những người dân xứ xở này đều chối bỏ y. Họ không chấp nhận gã đàn ông để ria kiểu Anh, mặc bộ đồ như những tay bán thịt ngoại ô Luân-đôn và đi đôi giày giá một trăm năm mươi bảng. Còn y, khi trở lại núi non này, ngồi xuống cỏ, y thấy mình tan hòa vào núi, vào cỏ, vào ánh trăng, vào khí trời xứ xở. Những thành phố trong ký ức rơi lả tả như tàn tro: Nào Săn-chi-a-gô, nào Niu-ước, nào Pa-ri, nào Luân-đôn, Cai-rô, Síp... Tất thảy chỉ là các phòng trọ với khung cửa vuông, bồn rửa mặt hoặc sạch sẽ hoặc nhơ bẩn, tấm chăn đắp và chiếc giường,... Không, y vẫn chỉ là đứa con của xứ xở này. Bởi vì khi y từ bỏ màu da, y phục, tiếng nói của mẹ đẻ, chính là để cho tái cả ân huệ và tai ương của tổ tông sống lâu bền mãi mãi trong huyết quản y, trong tâm hồn sâu kín của y, và trong mối thù độc địa của y... ”
Một tiếng quát thô lỗ vang lên, cắt dứt những dòng chữ:
Đồ con lợn, mày không tìm được trò gì khác hay sao mà suốt ngày ru rú như con lợn chờ xuất chuồng thế này?
Cường chưa kịp trả lời, Đính đã xô anh vào sát vách. Đính ngồi xuống giường, lột đôi giày và đôi tất ném vào góc phòng. Hai bàn chân anh ta bốc mùi thối. Cường quay đi. Đính đã thấy. Anh ta cười gằn:
A, chân tao thối lắm phải không?
Cường im lặng không đáp. Nhưng Đính đã túm tóc anh, quay mặt anh lại và nhìn chằm chăm vào mắt anh bằng đôi mắt vằn đỏ tia máu:
Công tử Cường không chịu được mùi chân thối. Công tử quen hít nước hoa. Thế mà dân đi biển thì chỉ bốc lên mùi tanh và mùi thối.
Hơi thở Đính nồng nặc rượu. Hẳn anh ta đã uống liên miên suốt buổi chiều, cả tàu, không ai uống rượu như Đính. Anh ta có thể nốc hai ba lít rượu trong một ngày. Nếu lượng rượu đó làm người khác đứt mạch máu não thì chỉ khiến Đính đập tan chiếc cối đá, đạp bẹp dí chiếc xoong nhôm dày năm ly rồi sau đó ngủ liền hai ngày không nhúc nhích. Cường ôn tồn nói:
Anh về phòng ngủ đi.
Đính trừng mắt:
Mày đuổi tao về, phải không?
Cường lắc đầu:
Anh mệt rồi. Anh đi ngủ cho dễ chịu.
Tao không muốn ngủ, tao ngồi đây dễ chịu hơn.
Vậy thì tùy anh.
Cường đáp, cầm cuốn truyện định đọc tiếp. Nhưng Đính giật cuốn sách trên tay anh:
Mày không thèm nói chuyện. Mày khinh tao phải không, thằng nhãi?
Nhưng tôi biết nói chuyện gì với anh bây giờ? Anh say rồi.
Tao mà say à? ... Này, bố bảo cho con biết, ba mươi năm nữa bố cũng chưa say.
Anh Đính.
Cường gần như van vỉ:
Tốt nhất là anh nên đi ngủ, cho dịu thần kinh. Anh uống nhiều hơn cả lần trước đấy.
Đính không nghe Cường nói. Mắt anh ta đỏ vằn. Những đường gân xanh tím bằng chiếc đũa nổi lên trên cần cổ vạm vỡ:
Thằng nhãi... Tôi biết nói chuyện gì với anh bây giờ? ...Mày khinh tao. Mày khinh tao từ lâu rồi...đừng hòng che dấu điều đó.
Bàn tay cứng như thép của anh ta bóp chặt cổ Cường lắc như lắc chai rượu:
Mày là thá gì mà dám khinh tao? ... Lẽ ra, tao phải bóp cổ mày như bóp một con nhái mà quẳng xuống biển. Cái điệu bộ của mày chỉ đáng làm thằng thợ may suốt ngày kéo thước dây đo đùi đo đít lũ đàn bà. Cái mớ chữ nghĩa trong đầu mày đem mà bán lấy vài đồng xu rỉ. Đối với dân đi biển, mớ chữ nghĩa ấy không đáng là mớ giẻ cọ sàn tàu.
Информация по комментариям в разработке