Nhạc: Nguyễn Trọng Tạo
Lời: phỏng thơ Nguyễn Phan Hách
Trình bày: Thanh Hoa - Tốp ca nữ Đài TNVN
“Ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tôi được điều về Hà Nội. Và tôi luôn nhớ làng tôi… Bỗng một hôm nhà thơ Nguyễn Phan Hách đưa tôi bài thơ “Làng Quan họ” của anh. Hôm ấy tôi đến làm việc với Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới và tình cờ gặp lại anh Hách mới chuyển về làm việc ở đấy. Anh rất vui vì đêm qua tình cờ nghe được một bài hát mới của tôi, bài Nụ cười Việt Nam, phổ thơ Chính Hữu. Có lẽ vì thế mà anh nảy ra ý định nhờ tôi phổ nhạc cho bài thơ của anh. Để ăn chắc, anh ngồi chép lại bài thơ rồi đưa cho tôi với một lời nhờ như áp đặt: “Bài này phổ nhạc được ông ạ. Ông phổ cho tôi nhé”. Tôi nghe toát mồ hôi và lại hơi buồn cười vì sự hồn nhiên của anh. Thơ thì mênh mông mà mấy bài được phổ nhạc? Nhạc sĩ thì nhiều như lá rừng nhưng có phải ai cũng phổ được bài thơ của anh? Tôi thấy ngại, nhưng cũng vui vẻ hẹn anh: “Vâng, tôi sẽ xem và nếu phổ được, tôi sẽ hát cho ông nghe để xin ý kiến nhà thơ”.
Sau khi chia tay Phan Hách, tôi cũng quên mất bài thơ còn cất trong túi áo. Mấy ngày sau, tôi đem áo ra giặt. Bên cái giếng xây gạch sứt mẻ của gia đình bà Tâm mù trong làng Khương Hạ - Hà Nội, nơi các nhà văn quân đội chúng tôi đang ở nhờ, tôi móc túi ra bài thơ anh Hách gửi và đọc lại. Lúc ấy từ cái loa làng phát ra những điệu hát Quan họ mê hồn. Tôi bỗng thấy bài thơ đang trở thành bài hát trong đầu tôi. Và câu nhạc mở đầu đã hiện lên. Tôi bỏ lại chậu áo quần bên giếng, vào nhà lấy giấy bút ngồi phổ nhạc cho thơ. Không có giấy nhạc kẻ sẵn, tôi lấy tờ giấy nâu khổ A4 rồi kẻ khuông “nhạc ba dòng” để viết. Bản nháp đầu tiên đó đến nay tôi vẫn còn giữ. Viết được nửa bài hát thì kẻng báo giờ ăn cơm tập thể. Nhà thơ Nguyễn Hoa ở cùng nhà với tôi từ đâu về lấy bát đũa định rủ tôi đi ăn cơm, nhưng thấy tôi đang “say” sáng tác, anh lặng lẽ đi một mình. Phải nói là Nguyễn Hoa rất hiểu tôi, anh sợ tôi sẽ dang dở mạch cảm xúc. Còn tôi thì hiểu rằng, Nguyễn Hoa sẽ lấy suất cơm lính về cho tôi. Thế là yên tâm tôi ngồi viết một mạch. Khi tôi viết nốt nhạc kết thúc thì Nguyễn Hoa cũng đưa cơm về. Tôi bảo xong rồi, và cám ơn bạn. Anh cười và bảo hát xem nào? Tôi hát cho anh nghe Làng Quan họ quê tôi. Anh lặng người run rẩy trong xúc động, rồi nói: “Tôi không biết nhạc. Nhìn vào bản nhạc chỉ thấy như giá đỗ. Nhưng bài này hay lắm Tạo ạ”. Lời nhận xét đầu tiên của người bạn khiến tôi rất vui. Lúc đó là một chiều tháng 9 năm 1978.
Ca sĩ đầu tiên hát Làng Quan họ quê tôi là Kim Phúc, lúc đó mới 18 tuổi, đang theo học năm thứ nhất tại Trường Âm nhạc Việt Nam và được nghệ sĩ Tôn Thất Triêm đệm đàn trong đêm giao lưu của các nhà thơ quân đội với trường. Tiết mục được hoan nghênh nhiệt liệt, khiến tôi cũng bất ngờ. Nhưng người thu thanh đầu tiên bài hát này là ca sĩ Thanh Hoa (hát cùng tốp nữ), và được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào tháng 6 năm 1979. Từ đó, nó trở thành bài hát quen thuộc của người yêu nhạc, rồi được dàn nhạc giao hưởng Leipzig trình diễn trong tuần văn hóa Việt Nam tại Đức, được hãng JVC đưa vào chương trình karaoke của Nhật. Bài hát này được nhiều ca sĩ thu thanh, thu hình, sản xuất đĩa nhạc. Gần đây nhất là Anh Thơ, Trọng Tấn, Trung Anh… Nhiều biên đạo múa cũng lấy nhạc Làng Quan họ quê tôi dàn dựng múa.
Có người thắc mắc tôi vì sao lời ca trong các bản thu thanh có chỗ khác nhau? Và lời nào là “chuẩn”? Có một thay đổi quan trọng là câu hát gốc “Làng Quan họ quê tôi, những năm bom Mỹ thả” được đổi thành “Làng Quan họ quê tôi, tiếng ca xanh ước hẹn”. Đó là do Nhà xuất bản Âm nhạc khi thu đĩa hát (1984) đã yêu cầu tôi sửa lại để phát hành ra quốc tế thuận lợi hơn?! Và tôi bất đắc dĩ phải sửa lại. Tuy nhiên, sau đó nhiều ca sĩ vẫn hát theo bản nhạc ban đầu công bố và tôi thích được hát như bản đầu tiên. Còn một số từ do ca sĩ nhầm nên đã làm sai lạc đi, như “Con sông Cầu làm bao xanh, ngang lưng làng Quan họ xanh xanh” bị hát sai thành “Con sông Cầu làng bao quanh, ngang lưng làng Quan họ xanh xanh”; câu “Chị cả tựa mạn thuyền, anh hai ngồi bẻ lái” bị hát sai thành “Chị cả tựa mạn thuyền, anh hai ngồi thổi sáo”… thì cũng là tam sao thất bản vậy. Điều quan trọng là bài hát đã đi vào lòng người, nó làm cho tâm hồn người ta đẹp hơn, yêu đời hơn, yêu quê hương đất nước hơn”.
Tiếp xúc với ông, tôi chưa hề thấy dấu hiệu sáng tạo chững lại ở con người danh tiếng này mặc dù tuổi đời đã khá cao. Ở ông, vẫn còn đó sự chân thành gần gũi, vẫn còn đó sự nồng nàn và tin yêu cùng nỗi ưu uất thường trực như là nghiệp chướng tiền định đối với những - con - người - sinh - ra - làm - nghệ - sĩ. Vẫn mơ màng nơi đáy mắt, Nguyễn Trọng Tạo lại ôm đàn và hát: “Người ơi, làng Quan họ quê tôi - Những năm bom Mỹ thả, loan phượng vẫn ăn xoài - Hương thơm đồng lúa chín - Quan họ về mà là về trao duyên - Ấy Quan họ về… là về trao duyên ơ hớ…”.
TRỊNH CHU
Информация по комментариям в разработке