Tô Vũ - Em đến thăm anh một chiều mưa - Tơ lòng trên phím nhạc kỳ 038

Описание к видео Tô Vũ - Em đến thăm anh một chiều mưa - Tơ lòng trên phím nhạc kỳ 038

Chương trình Tơ lòng trên phím nhạc đã thực hiện rất nhiều chương trình trong suốt thời gian qua. Xin vào link bên dưới để theo dõi toàn bộ những chương trình đã đăng:    • TƠ LÒNG TRÊN PHÍM NHẠC  
Mong bạn sẽ thưởng thức và tiếp tục theo dõi, ủng hộ cho nhóm thực hiện chương trình.
Trân trọng.

Chương Trình Tơ Lòng Trên Phím Nhạc # 038 – TÔ VŨ
1- Ngày xưa - Mai Hương
2- Tiếng chuông chiều thu - Duy Trác
3- Tạ từ - Mai Hương
4- Em đến thăm anh một chiều mưa - Vũ Khanh

Tô Vũ sinh ngày 9 tháng 4 năm 1923 tại phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang, nhưng từ khi còn nhỏ ông đã chuyển về sống tại Hải Phòng cùng bốn người anh em ruột của mình.  Mẹ mất sớm, bố đi làm xa và chỉ  gửi tiền về nuôi các anh em ông. Trong số bốn anh em, Hoàng Quý và Hoàng Phú (tức nhạc sĩ Tô Vũ) đặc biệt say mê âm nhạc. Hai anh em học được những kiến thức âm nhạc đầu tiên bằng Vĩ Cầm, qua một phụ nữ người Pháp tên Leprêtre là chủ cửa hiệu Orphée, chuyên bán nhạc cụ và sách nhạc Tây ở Hải Phòng thời đó. Tuy nhiên, người tích cực khuyến khích hai anh em học hỏi tân nhạc là thầy dạy môn văn chương Pháp tên Ngô Đình Hộ cũng là nhạc sĩ Lê Thương, để cùng thầy biểu diễn trong các tiết mục văn nghệ của trường.
Tô Vũ đến với giới thưởng ngoạn thời đó bằng hai nhạc phẩm "Em đến thăm anh một chiều mưa", và "Tạ từ", được ông sáng tác trong những ngày đầu của thời kỳ kháng chiến. 
Có những nhạc sĩ chỉ cần có một sáng tác nổi tiếng, là đã đủ để khẳng định vị trí của họ trong nền âm nhạc. Tô Vũ cũng là một trong số đó, với nhạc phẩm “Em đến thăm anh một chiều mưa”. Tuy nhiên, ông không chỉ có một nhạc phẩm "để đời" này, mà còn sáng tác thêm "Tạ từ", cũng là một nhạc phẩm tiền chiến rất giá trị, và được yêu mến cho đến tận hôm nay.
Hoàn cảnh tạo ra cảm hứng cho Tô Vũ sáng tác  nhạc phẩm "Em đến thăm anh một chiều mưa" cũng rất lý thú. Theo lời chính tác giả kể lại thì khi kháng chiến bùng nổ, ông đang ở Hải phòng. Ông tham gia ban văn nghệ tuyên truyền Kiến An. Nhóm của ông gồm ba người thanh niên, được cử về một huyện công tác. Khi họ trú đóng ở một ngôi đình, thì có một nhóm ba cô gái trong đội cứu thương cũng đóng ở đó.
Trong lúc chờ đợi phân phối công tác, nhóm văn nghệ tập dượt và mời các cô cùng hát cho vui. 
Trong ba cô có một cô rất đẹp và còn hát hay, nên cô hay cùng Tô Vũ song ca trong những dịp biểu diễn tuyên truyền, và họ được rất nhiều người tán thưởng. Mối tình nẩy nở giữa hai người. Những đêm khuya đi trình diễn về, hai người sánh bước bên nhau. Ðêm đông trăng sáng cận kề tâm sự, nên cho dù trời có mưa gió lạnh giá cũng không còn cảm thấy lạnh lùng.
Mối tình đang thắm thiết, bỗng nhiên ba cô cứu thương bị chuyển công tác sang huyện bên cạnh. Tuy cũng không xa lắm, nhưng cách một con sông rộng. Ngoại trừ nỗi lo sóng gió, còn thêm nỗi sợ máy bay Pháp oanh tạc.
Cho đến một hôm, trời “mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều” , Tô Vũ bị bịnh nên một mình nằm lại trong khi hai người bạn phải đi công tác. Chợt cô cứu thương không ngại đường xa mưa gió, không e con sông đầy sóng to gió lớn đến thăm nhạc sĩ, thời gian như ngưng đọng để hai người cùng :
“Mặt nhìn mặt cầm tay bâng khuâng không nói một câu.
 Lời nghẹn ngào hồn anh như say  như ngây vì đâu”.
             Sau thời khắc huyền diệu, êm đềm… Chiều xế bóng, cô gái đành phải từ biệt ra về. Màn đêm buông xuống, Tô Vũ còn lại một mình với nỗi cô đơn, quạnh quẽ. Nỗi cảm xúc chợt đến thật mãnh liệt, Tô Vũ viết xong “Em đến thăm anh một chiều mưa” mà trong đó, nỗi nhớ nhung đến miên man, khi gót chân người yêu quay bước,để lại trong lòng ông bao nỗi ngậm ngùi: 
“Có hay lúc em về, Gót chân bước reo âm thầm trên đường một mình ngoài mưa… mưa như mưa trong lòng anh”.
"Em đến thăm anh một chiều mưa" đã trở thành nhạc phẩm được đón nhận nồng nhiệt, vì ca khúc nói lên tâm sự của hầu hết những người trẻ thời đó trong cơn chinh chiến.Họ gặp nhau bất chợt, tình yêu đến bất ngờ và chia tay từ biệt cũng lẹ làng, nhanh chóng với những thay đổi từ tình hình chiến sự. Cơ hội để những "đôi lòng đã từng khăng khít" gặp lại nhau rất khó. Nhờ thế, nỗi niềm của tác giả trong ca khúc được biết bao người thông cảm, vì nó cũng là nỗi niềm chung của hầu hết bao đôi lứa yêu nhau trong thời kỳ kháng chiến.
Đã gần nửa thế kỷ từ khi "Em đến thăm anh một chiều mưa" ra đời, vậy mà lời nhạc trữ tình trong ca khúc cho đến nay vẫn gây cho bao người yêu nhau cái cảm xúc của Tô Vũ ngày nào trong một ngày mưa gió… Thế rồi sau năm 1954, khi quyết định ở lại miền Bắc, những sáng tác của Tô Vũ không còn cái đẹp trữ tình, lãng mạn của thời tiền chiến nữa. Không ai có thể biết, nếu vẫn được sống trong nếp sống tự do, liệu ông có còn sáng tác được những bài tình ca giá trị như vậy nữa hay không? 
Dù sao đi nữa, chỉ với tác phẩm bất hủ "Em đến thăm anh một chiều mưa", Tô Vũ đã khiến mọi người sẽ mãi còn nhắc nhớ về ông. Tô Vũ qua đời năm 2014,  hưởng thọ 92 tuổi.

Комментарии

Информация по комментариям в разработке