5- Tuệ Diệt (Bhaṅgānupassanāñāṇa) hay Đoạn trí (Bhaṅgañāṇa).
Đến đây, sau khi hành giả thấy rõ những vi tế phiền não, biết là phiền não, vị ấy không bị chìm, bị đắm, không bị ảo tưởng tà kiến sai lầm chi phối nữa nên tiếp tục minh sát để bước lên Tuệ thứ năm. Được gọi là Tuệ diệt (Bhaṅgānupassanāñāṇa) hay Đoạn Trí (Bhaṅgañāṇa) - vì hành giả chú tâm vào “sự diệt” của mỗi Danh mỗi Sắc, tức là chỉ thấy khía cạnh diệt của Danh và Sắc. Hành giả thấy sự phân tán của năm uẩn cả bên trong (tâm) lẫn bên ngoài (đối tượng). Hành giả thấy sự tan rã, phân tán, hoại diệt nhanh chóng của Danh Sắc.
Hiện tượng này, điều mà hành giả chưa từng thấy trước đây, tạo ra một cảm giác kinh hoàng và sợ hãi. Tuệ này đủ mạnh để nhổ bật gốc si mê (moha) bằng công cụ tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Cảm giác về sự diệt mạnh đến nỗi hành giả chỉ tập trung vào đó mà không chú ý đến khía cạnh sanh (của Danh và Sắc). Tuệ thấy sự hoại diệt của Danh Sắc này có một ảnh hưởng đáng sợ cho hành giả bởi vì vị ấy nhận ra rằng, các pháp trên thế gian này là không có thực thể, chúng có đó rồi lại không đó ngay tức khắc.
Khi đạt được Tuệ này, hành giả sẽ trừ diệt được điên đảo tưởng (vipallāsa), tưởng rằng thân và tâm này là thường (nicca - vipallāsa). Khi có Tuệ này, hành giả cũng sẽ cảm nhận được rằng đâu là pháp hành đúng, chơn chánh và đâu là những pháp hành tà vạy, bất chánh.
Tuệ này là bước đầu tiên của sự trừ diệt phiền não, tức là từ Tuệ thứ 5 cho đến tuệ thứ 14 là Ðạo Tuệ, Maggañāṇa. Các phiền não mà hành giả đã từng đa mang qua bao cuộc du hành lang thang trong vòng sanh tử luân hồi (saṃsāra-vatta) giờ đây bắt đầu bị bứng gốc dần dần.
6- Tuệ Kinh Sợ (Bhayatupaṭṭhānañāṇa) Hay Kinh Hãi Trí (Bhaya ñāṇa).
Nếu như ở Tuệ thứ năm – hành giả hoang mang khi thấy Danh Sắc diệt quá nhanh, rã hoại, tan hoại quá nhanh, chẳng có thực thể nào tồn tại, và rõ là không có cái gì có thể có tự tính. Qua Tuệ thứ sáu này – hành giả minh sát thấy đâu cũng tan hoang, tan nát không còn gì, không có gì; Danh Sắc hiện ra như từng mảnh vụn; vị ấy cảm thấy kinh sợ, sợ hãi về sự chuyển biến ấy.
Hành giả không phải chỉ thấy kinh sợ, sợ hãi ở Danh Sắc hiện tại mà ngay cả tái sanh vào bất kỳ một sanh hữu nào trong tương lai cũng là điều đáng sợ, như nó đã từng trong quá khứ vậy. Tuệ thứ sáu này khiến cho tham ái dừng lại, song chưa hoàn toàn tẩy trừ nó. Tuệ Kinh Sợ hay Kinh Hãi Trí này được xem là đối trị của ái (taṇhā), nhưng chỉ như là đối trị tam thời vì cái gốc của nó vẫn còn tiềm ẩn sâu dày, lì lợm ở bên trong. Do có Tuệ này, hành giả bước lên một loại Tuệ cao hơn.
7- Tuệ Nguy Hiểm (Ādīnavānupassanāñāṇa) Hay Hiểm Nguy Trí (Ādīna-vañāṇa).
Từ Tuệ thứ nhất đến Tuệ thứ bảy này, mỗi Tuệ làm duyên cho Tuệ kế tiếp, và mỗi lần như vậy, Tuệ giác lại càng mạnh hơn. Hành giả Tuệ tri Danh Sắc như là mối hiểm họa, sự nguy hiểm, sự độc hại, đầy tội chướng và cảm thấy rằng tốt hơn hết là không có Danh Sắc!
Năm điều nguy hại mà hành giả nhận ra là: 1- Tuệ tri Danh Sắc trong tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) hiện ra như thể chúng nằm trong hầm lửa. 2- Tuệ tri rằng Danh Sắc dù trong sanh hữu nào cũng bị bao vây bởi 11 ngọn lửa Dukkha thiêu đốt. Ðó là: Sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, ưu, não, ái biệt ly, oán tăng hội, cầu bất đắc. Hành giả cảm thấy rằng Danh Sắc quả thật nguy hiểm, tai họa và là cội nguồn của muôn vạn khổ đau (Dukkha). 3- Tuệ tri nhân sanh Danh Sắc là vô minh (avijja), và vô minh ấy chính là mối nguy hại vì nó dẫn đến sanh, lão, bệnh, tử... 4- Tuệ tri rằng Danh Sắc đang lão suy và tan rã trong từng sát-na, và đây là sự nguy hại. 5- Tuệ tri rằng phải sanh lại trong vòng luân hồi là điều nguy hại, là mối hiểm nguy, bởi vì Danh Sắc là cội nguồn của đau khổ, dù sanh hữu nào cũng vậy, nó chỉ có thể dẫn đến đau khổ thêm nữa mà thôi.
Khi 5 điều nguy hại này đã được nhận ra thì 5 lợi lạc từ đó cũng được hành giả trực nhân: 1, Không còn tái sanh là an lạc, và rằng ở đâu không có Danh Sắc thì ở đó là nơi đáng mong cầu. 2, Nếu không còn tái sanh trong bất kỳ sanh hữu nào, chắc chắn sẽ an lạc, và chính điều này dẫn đến Niết bàn. 3, Nếu không còn nhân sanh (samudaya) của Danh Sắc, chắc chắn sẽ có sự giải thoát khỏi khổ. 4, Nơi nào không có Danh Sắc biến hoại, nơi đó là nơi an lạc của Niết bàn. 5, Không còn phải chịu tái sanh trong vòng luân hồi là phúc lạc và cội nguồn của hạnh phúc.
Ở Tuệ này, hành giả nhận ra rằng Danh Sắc hay ngũ uẩn là là trạng thái gây ra nguy hại. Tuệ này có một năng lực rất mạnh ngăn được tham ái, không cho tạo ra điên đảo tưởng ở trong tâm.
Tuệ này đối trị với tham ái, nó làm cho tham ái khó bề hoạt động. Hành giả cảm thấy tham ái lúc này không có chỗ trú ngụ nào nữa vì tất cả Danh Sắc đều là mối hiểm họa, nguy hại. Do vậy, tham ái như bị tách ra – và tâm cũng tự động tách ra. Và khi tham ái được tách ra khỏi tâm, nghĩa là tách ra khỏi nhân sanh luân hồi rồi đi theo đạo lộ Niết-bàn bất tử.
...
Информация по комментариям в разработке