Chương trình Tơ lòng trên phím nhạc đã thực hiện rất nhiều chương trình trong suốt thời gian qua. Xin vào link bên dưới để theo dõi toàn bộ những chương trình đã đăng: • TƠ LÒNG TRÊN PHÍM NHẠC
Mong bạn sẽ thưởng thức và tiếp tục theo dõi, ủng hộ cho nhóm thực hiện chương trình.
Trân trọng.
Chương Trình Tơ Lòng Trên Phím Nhạc # 090 – LAM PHƯƠNG 1
1-Chiều thu ấy – Sĩ Phú
2-Kiếp nghèo – Nhật Trường
3- Khúc ca ngày mùa – Hoàng Oanh
4- Lá thư miền trung – Thanh Thúy
5- Nắng đẹp miền nam – Hà Phương
6- Đèn khuya – Phương Hồng Quế
7- Duyên kiếp – Elvis Phương
8- Chiếc thuyền từ ly – Tuấn Vũ
9- Chiều tàn – Ngọc Lan
10- Hoa đầu mùa – Lệ Thu
Nhạc sĩ Lam Phương sinh năm 1937 tại làng Vĩnh Thanh Vân, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ông tên thật là Lâm Đình Phùng, con ông Lâm Đình Chất và bà Trần thị Nho. Ông là con trai trưởng trong nhà. Khi thân phụ của ông rời gia đình, lên Sài Gòn để tìm công ăn việc làm, và không bao giờ quay lại, ông đã phải phụ giúp mẹ để lo cho đàn em 5 người. Vì thế, suốt cuộc đời ông đã dành rất nhiều tình thương yêu cho người mẹ của mình. Đây cũng là hoàn cảnh chung của khá nhiều gia đình ở vùng quê miền Nam Việt Nam thời đó. Khi cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 lan rộng, xóm làng miền Nam thường bị quân đội đồng minh dội bom trong những lần oanh tạc quân Nhật. Vì cuộc sống không yên ổn, nên người cha trong nhà thường đi trước để tìm đường, và sẽ quay về đưa gia đình đi lánh nạn sau. Cha của Lam Phương lúc bấy giờ cũng là một trong những người ra đi, nhưng ông đã không trở về. Sống ở Sài Gòn, ông ăn ở với những phụ nữ khác, và tất nhiên có con với họ. Do đó Lam Phương có khá nhiều anh chị em cùng cha, khác mẹ. Trong hoàn cảnh này, mẹ của ông đã rất vất vả, cực nhọc, sớm hôm tần tảo để nuôi dưỡng đàn con. Năm 1958, Lam Phương tham gia quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Từ những sinh hoạt trong môi trường quân đội, ông bắt đầu chuyển hướng chủ đề sáng tác. Những ca khúc trong giai đoạn này phản ánh phần nào cuộc chiến đang lan tràn trên quê hương như “Tình anh lính chiến”, “Chiều hành quân”, “Đêm dài chiến tuyến”… Những hình ảnh người lính trong giòng nhạc Lam Phương rất gần gũi, rất thân yêu mà người ta có thể tìm thấy đặc điểm này ở bất kỳ người lính nào trong đời sống mỗi ngày. Người lính trong nhạc Lam Phương không hào hùng như chàng tráng sĩ trong một bài cổ thi của giòng nhạc Nguyễn Văn Đông, không mang vẻ thư sinh, trí thức của người lính trong giòng nhạc Trần thiện Thanh, cũng không quá trần trụi, thực tế như người lính của Trúc Phương… Tuy cũng đều là những ca khúc viết về người lính, nhưng với Lam Phương, người lính trong các nhạc phẩm của ông sống vô tư, đón nhận chiến tranh bằng một thái độ lạc quan, sẵn sàng để lên đường phục vụ đất nước, mà chẳng hề có chút tư tưởng yếm thế hoặc phản chiến làm vẩn đục cái lý tưởng cao quý bảo vệ đất nước.
Năm 1959 Lam Phương giải ngũ. Từ đó ông làm việc tại đài phát thanh Quân Đội và biệt đoàn văn nghệ trung ương cho tới năm 1975. Vào khoảng cuối thập niên 1960, Lam Phương bước vào thời gian vàng son nhất của đời mình.
Biến cố chính trị năm 1975 đưa cuộc đời Lam Phương vào một bước ngoặt mới. Ngày 30/4/1975, ông rời Việt Nam trên tàu Trường Xuân cùng với gần 4,000 người khác. Ông là một trong nhóm những người Việt Nam đầu tiên đến định cư ở Mỹ. Sau một thời gian cư ngụ tại California, Lam Phương sang Paris sống một thời gian. Sống ở hải ngoại, Lam Phương có rất nhiều thay đổi trong khuynh hướng sáng tác. Khi ở Paris, thành phố đã từng được xem là cái nôi của một nền văn hóa cực kỳ lãng mạn, Lam Phương cũng tìm được những thoải mái, thi vị trong cuộc sống và ông đã cống hiến khá nhiều ca khúc trữ tình như “Mùa thu yêu đương”, “Tình hồng Paris”, “Cho em quên tuổi ngọc”… Giới thưởng ngoạn có thể thấy được sự chuyển hướng này một cách dễ dàng trong lời nhạc cũng như thể điệu. Ông dùng chữ trau chuốt, cầu kỳ hơn và giai điệu cũng thay đổi cho thích hợp với những đối tượng trẻ trung hơn ở hải ngoại. Cuối thập niên 1990, Lam Phương bị bệnh tiểu đường. Sau đó, ông bị liệt vì những biến chứng của bịnh tiểu đường mang lại. Lam Phương đã sống và đã sáng tác không ngừng nghỉ trong suốt kiếp người. Từ những ngày thơ ấu tủi cực, đến lúc thành đạt, ông đã trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống, mà hạnh phúc lẫn khổ đau xen kẽ trong từng chặng đường đời… Giòng nhạc của ông đã đóng góp cho kho tàng âm nhạc những ca khúc bát ngát tình quê hương, dân tộc,tình yêu đôi lứa...
Tình yêu của ông thể hiện trong phong cách sáng tác của một người nghệ sĩ chơn chất, hiền hòa. Và bản chất này của ông, vẫn còn theo ông cho dù những người ông yêu có rời bỏ ông, cho dù ông có đi đến cuối cuộc đời trong nỗi cô đơn tận cùng.
Информация по комментариям в разработке