Lâm Tuyền - Tơ sầu - Tơ lòng trên phím nhạc kỳ 102

Описание к видео Lâm Tuyền - Tơ sầu - Tơ lòng trên phím nhạc kỳ 102

Chương trình Tơ lòng trên phím nhạc đã thực hiện rất nhiều chương trình trong suốt thời gian qua. Xin vào link bên dưới để theo dõi toàn bộ những chương trình đã đăng:    • TƠ LÒNG TRÊN PHÍM NHẠC  
Mong bạn sẽ thưởng thức và tiếp tục theo dõi, ủng hộ cho nhóm thực hiện chương trình.
Trân trọng.

Chương Trình Tơ Lòng Trên Phím Nhạc # 102
1- Nhớ người viễn xứ – Tâm Hảo
2- Lặng lẽ – Sĩ Phú
3- Hình ảnh một buổi chiều – Quang Tuấn
4- Khúc nhạc ly hương – Mai Hương
5- Trở về dĩ vãng – Kim Tước
6- Tiếng thời gian – Duy Quang
7- Tơ sầu – Duy Trác

Lâm Tuyền là một nhạc sĩ đã để lại cho đời những ca khúc giá trị như "Khúc nhạc ly hương", "Hình ảnh một buổi chiều", "Tiếng thời gian", "Tơ sầu", "Trở về dĩ vãng"… Tuy thế, ngoại trừ một số chi tiết về sự nghiệp sáng tác, chúng ta không biết nhiều về tiểu sử cũng như cuộc đời ông. 
Vào khoảng năm 1952 tại Hà Nội, tên tuổi của Lâm Tuyền được biết đến nhờ nhạc phẩm "Tiếng thời gian", được ca sĩ Hoài Trung trình bày trong phim "Bến cũ". Sáng tác này của Lâm Tuyền thể hiện một sự đổi mới, chuyển hướng trong cách kết cấu, âm giai và ngay cả cách dùng từ ngữ trong giòng nhạc trữ tình giai đoạn bấy giờ.
Từ những năm đầu của thập niên 1950, Lâm Tuyền đã nổi tiếng với những ca khúc lãng mạn. Ông đã kết hợp những âm điệu nhẹ nhàng, trong sáng với lời nhạc mang phong cách của một chàng trai lãng tử, yêu đời sống lang bạt kỳ hồ. 
"Tơ sầu" là ca khúc đầu tay của Lâm Tuyền viết theo thể điệu Tango. Trong nhạc phẩm, ông đã dùng hình ảnh sợi tơ, như những dây tơ đàn óng ả, khiến bao tâm hồn người nghệ sĩ tê tái, đau thương.
"Tơ sầu" từng được ca sĩ Duy Trác trình bày rất thành công trong chương trình "Tây Hồ" ngày xưa do nhạc sĩ Hoàng Trọng đảm trách. Giọng hát trầm ấm của Duy Trác đã đưa nhạc phẩm "Tơ sầu" đến rất gần với giới thưởng ngoạn.
Một ca khúc khác với âm điệu tha thiết của Lâm Tuyền cũng rất nổi tiếng là “Hình ảnh một buổi chiều”. Ðã có rất nhiều ca sĩ trình bày nhạc phẩm “Hình ảnh một buổi chiều”. Từ Mộc Lan, Thái Thanh, Kim Tước, Anh Ngọc, đến Mai Hương và Quỳnh Giao, Sĩ Phú…
Lời của “Hình ảnh một buổi chiều” do đạo diễn kiêm tài tử Hoàng Vĩnh Lộc ( biệt danh là Dạ Chung)viết. Ông viết thêm một câu văn, in ngay trên nhạc phẩm, làm tăng thêm  phần lãng mạn, lôi cuốn mỗi khi ca khúc được trình bày, khiến thính giả nhớ mãi mỗi khi nghe bài hát:

“Anh không giữ trong tay một kho tàng hay danh vọng nào cả. Mà chỉ giữ có hình ảnh một buổi chiều, khi nắng vàng nhuộm mái tóc em.”

Một nhạc phẩm khác cũng rất phổ biến của Lâm Tuyền là "Khúc nhạc ly hương". Người ta có thể cảm nhận được sự khao khát của tác giả thể hiện trong những sáng tác về một chân trời mới lạ, và một niềm mơ ước được vẫy vùng, phiêu lưu đây đó. "Khúc nhạc ly hương" được khá nhiều ca sĩ nổi tiếng trình diễn. Nhạc phẩm này mỗi khi hát lên, khiến cho lòng người bồi hồi, nhớ mông lung về một nơi chốn quê nhà đã xa.
Riêng với ca khúc “Trở về dĩ vãng”, thì ca sĩ Quỳnh Giao vốn là cháu, gọi ca sĩ Mộc Lan bằng cô đã tâm sự:
“Thuở đó Quỳnh Giao còn bé lắm, nhưng được cô Mộc Lan kể lại cho biết ông viết để tặng cho cô. Có lẽ vì mình bé nên cô mới kể, chứ không kể cho người lớn! Câu hát ‘Anh thường khóc khi chiều xuống, lòng nhớ nhung triền miên’ ám chỉ cô, vì tên gọi chơi (nick name) của cô là Nhung, dù tên thật là Nga.”
Tất nhiên "Trở về dĩ vãng" cũng được rất nhiều ca sĩ trình diễn, nhưng Mộc Lan là người hát rất hay, khó người có thể sánh bằng.
Trong số những nhạc phẩm của Lâm Tuyền, tuy rất ít nhưng hầu như nhạc phẩm nào cũng đạt được một giá trị nghệ thuật cao, nhất là "Tiếng thời gian" là ca khúc được giới thưởng ngoạn yêu thích nhất.
Với lời nhạc rất cảm động của Dạ Chung, "Tiếng thời gian" cũng là tiếng lòng của người nghệ sĩ, đìu hiu cô quạnh trên bước đường phiêu bạt, lãng du.
Với lời nhạc kết hợp uyển chuyển, nhịp nhàng cùng âm điệu, Lâm Tuyền là một trong những nhạc sĩ tài hoa trong buổi đầu phôi thai của nền âm nhạc Việt nam. Với niềm mong mỏi được vẫy vùng bốn biển, người ta cảm nhận được ước vọng phiêu lưu bàng bạc đây đó trong những sáng tác của ông. Nhưng thật đáng buồn vì ông chưa bao giờ được rời khỏi quê nhà.
Trần Áng Sơn trong tác phẩm "Những trang khép mở" có viết về nhạc sĩ Lâm Tuyền như sau: 
“Sau 1975, tôi gặp lại nhạc sĩ Lâm Tuyền mấy lần, ông già đi là lẽ dĩ nhiên, nhưng nỗi buồn ẩn hiện trong những nét khắc khổ trên gương mặt ông làm tôi nao lòng! Ðã từng biết ông, từng được ông truyền những kỹ thuật solo, làm sao tôi có thể thản nhiên!”
Sau biến cố năm 1975, Lâm Tuyền kẹt lại, sống lây lất trong nước.  
Năm 1997, ông từ trần tại Sài Gòn. Lâm Tuyền sống với ước mơ được tung hoành đây đó, vẫy vùng khắp nơi để thỏa chí lớn trượng phu. Nhưng đời không như ước mơ, buổi hoàng hôn của đời người nghệ sĩ chắc hẳn vô cùng thê lương, tịch mịch như "Hình ảnh một buổi chiều": 

Miền xa mây núi xanh ngát màu
Hồn bơ vơ lúc hoàng hôn xuống
Khi nắng vàng phai trên núi đồi
Là lúc ta buồn bao kiếp nguôi…

Комментарии

Информация по комментариям в разработке